Theo NASA, mật độ rác thải bên ngoài vũ trụ hiện đã vô cùng dày đặc khi những mảnh rác kim loại va chạm vào nhau và tạo ra hàng tỉ tấn bụi kim loại gần như không có khả năng tiêu hủy.
Kể từ khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 cùng tên lửa R-7 của Liên Xô lên quỹ đạo vào năm 1957, đây được xem là ngày mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Tuy nhiên, theo chuyên gia từ phía NASA, chính nhờ những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực thám hiểm không gian, con người đã mở rộng phạm vi ô nhiễm môi trường từ trên bề mặt Trái đất cho tới tận… vũ trụ: “Mật độ rác thải bên ngoài vũ trụ hiện đã vô cùng dày đặc khi những mảnh rác kim loại va chạm vào nhau và tạo ra hàng tỉ tấn bụi kim loại gần như không có khả năng tiêu hủy”.
Hiện tại, có tới hơn nửa triệu mảnh kim loại khổng lồ - tương đương hàng chục nghìn tấn rác thải bên ngoài vũ trụ - đang bay theo quỹ đạo Trái đất. Điều đáng nói là, những tấn rác vũ trụ đó không thể bay tứ tán và biến mất vào trong không gian do chịu lực hút từ bề mặt Trái đất. Theo đó, chúng tạo thành một “tấm lưới rác thải” dày đặc bao quanh Trái đất, về lâu dài sẽ có khả năng ngăn cản tầm nhìn và “ngáng đường” những lần khám phá không gian của nhân loại, chưa kể có khả năng rơi xuống Trái đất bất cứ lúc nào.
"Tấm lưới" rác thải đang ngày càng bóp nghẹt Trái đất.
Trong khi kích thước của những mảnh rác này là một vấn đề nan giải, tốc độ chuyển động của chúng trong không gian còn đáng lo ngại hơn. Ở khoảng cách 320 km so với Trái đất, chúng di chuyển với vận tốc chóng mặt, gần 30.000 km/giờ. Tốc độ này vượt xa vận tốc của một viên đạn súng trường AK-47 khi rời khỏi nòng súng. Do tốc độ di chuyển trong vũ trụ cực lớn, thậm chí một va chạm giữa chiếc đai ốc kích cỡ 1 cm với một mảnh kim loại cũng đủ sức gây ra vụ nổ tương đương 1 quả lựu đạn cầm tay.
Theo một báo cáo khoa học của NASA, hiện nay con người chưa có đủ điều kiện về cả kỹ thuật và kinh tế để xử lý số rác trên, cho dù ngành hàng không vũ trụ thế giới có ngừng phóng mọi tàu vũ trụ đi chăng nữa. Theo đó, phương án tối ưu nhất tính đến thời điểm hiện tại là tìm cách… đem tất cả những mảnh vụn kim loại lớn xuống Trái đất thay vì bắn tia laser hay quăng lưới dọn rác vào không gian. Tuy nhiên, với vận tốc gần 30.000 km/giờ của những mảnh kim loại này, việc tiếp cận và “khống chế” được chúng quả là một vấn đề quá sức nan giải.
Tham khảo BusinessInsider
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét