Tháp Eiffel sáng đèn chào mừng COP21. Ảnh: AP |
Theo CNN, có khoảng 40.000 đại biểu từ 195 quốc gia tham dự COP21, diễn ra từ 30/11 - 11/12, với mục tiêu đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên để hạn chế khí thải nhà kính, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, ngăn ngừa toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C - ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trung bình ngày nay là 15 độ C.
Các đại biểu hôm qua đã lên lịch làm việc cho 12 ngày thương thuyết, đồng thời phân chia các chuyên gia thành 15 nhóm để thảo luận theo những chủ đề cụ thể như tốc độ phù hợp để giảm lượng phát thải carbon giữa các nước khác nhau có tính đến quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của các nước đó, các biện pháp chuyển giao công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo, những giải pháp tài chính, sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng năng lượng sạch và đầu tư vào công nghệ mới.
Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi phát ra 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, được kỳ vọng sẽ đưa ra các cam kết cắt giảm ở mức cao, đóng góp tích cực vào quá trình làm chậm lại việc nóng lên của Trái Đất.
CVF, diễn đàn những nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có đại diện từ các nước châu Á như Philippines, Bangladesh hay từ châu Mỹ như Costa Rica, đề nghị hạn chế mức tăng nhiệt độ chỉ 1,5 độ C.
"Chúng tôi là những quốc gia phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, và đấu tranh với nhóm những nước lớn như Mỹ, EU hay G77. Chúng tôi chiếm đa số vì 106 trên 195 quốc gia trên thế giới muốn đặt mục tiêu chỉ tăng 1,5 độ C", Saleemul Huq, phát ngôn viên của CVF cho biết.
Theo BBC, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu năm 1750, lượng CO2 đã tăng hơn 30% trong khí quyển, và cao nhất trong lịch sử 800.000 năm trở lại.
Theo đó, lượng CO2 thải ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch toàn cầu chiếm 57% khí thải nhà kính, tiếp đó là CO2 phát ra từ cháy rừng, hoặc đốt chất thải nông nghiệp chiếm 17%. Khí thải nhà kính khác như methane chiếm 14%, N20 chiếm 8%, cũng do con người tạo ra, nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn so với CO2 từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Time, các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục năm 2014, và dự kiến, năm 2015 sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Ngay cả khi chúng ta cắt giảm khí thải nhà kính ngay lập tức, hậu quả của nó cũng gây ảnh hưởng tới hàng trăm năm sau, đối với đại dương và băng ở hai cực. Và để loại bỏ ảnh hưởng của khí thải nhà kính đối với khí quyển, cũng phải mất hàng thập kỷ. Khí thải nhà kính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, dẫn đến các thảm họa thiên nhiên như lụt lội, hạn hán.
"Nhiệt độ tăng lên ở đại dương sẽ ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh, và làm tăng nhiệt độ của Trái Đất, khiến tình trạng sa mạc hóa ngày một lan rộng", David Attenborough, nhà tự nhiên học kiêm phát thanh viên nổi tiếng của BBC, nhận định. "Rắc rối của gia tăng nhiệt độ cực lớn, và phải tránh nó bằng mọi giá".
Trong phiên làm việc đầu tiên hôm nay, ngoài lãnh đạo các nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, còn có sự tham gia của tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft.
Ông đã vận động lãnh đạo các nước khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trị giá nhiều tỷ USD. Theo đó, Mỹ và 18 quốc gia khác, đã cam kết tăng gấp đôi ngân quỹ dành cho nghiên cứu năng lượng sạch, lên tổng cộng 20 tỷ USD trong 5 năm, Guardian cho hay.
"Thông báo này sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng, rằng thế giới cam kết huy động mọi nguồn lực cần thiết để đảm bảo mọi quốc gia có thể phát triển các nguồn năng lượng sạch một cách có hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế", Brian Deese, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, cho biết.
Cổng vào COP21 ở Paris. Ảnh: AP |
Xem thêm: Kịch bản cho đô thị ven biển nếu nhiệt độ tăng 4 độ C.
Hồng Hạnh
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét