Nhiều hành khách phản ánh sau khi sử dụng dịch vụ taxi của Uber, mặc dù được phép thanh toán tiền mặt song nhiều tài xế gây khó dễ, cằn nhằn, yêu cầu phải trả bằng thẻ. CEO Uber Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng lý giải về điều này như thế nào?
Từ ngày 21/8, hành khách tại TP HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ của Uber có thể dùng tiền mặt để thanh toán.
Theo đó, hành khách sẽ vẫn sử dụng được các tính năng hiện tại của hãng công nghệ này, và có tùy chọn mở rộng đến phần thanh toán cho hành trình. Người dùng chỉ cần ấn vào thanh toán bằng tiền mặt, yêu cầu hành trình như bình thường, và trả tiền trực tiếp cho tài xế vào cuối hành trình.
Tuy nhiên, việc thanh toán bằng tiền mặt cho dịch vụ của Uber thật khó để trở thành một thói quen tiêu dùng. Bởi nhiều hành khách từng phản ánh rằng, họ bị làm phiền khi yêu cầu thanh toán tiền mặt. Một vài tài xế gây khó dễ, tỏ thái độ cằn nhằn, khó chịu, và buộc khách hàng phải trả bằng thẻ tín dụng.
Trong khi đó, ở một góc nhìn nhận khác, đa số các tài xế khi được hỏi vì sao không nhận tiền mặt, đều lý giải rằng, họ không được công ty Uber khuyến khích thu tiền mặt của khách hàng.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Phải chăng việc thông báo Uber cho phép khách hàng trả phí tiền mặt chỉ là chiêu "marketing" của công ty, nhằm phát động phong trào khách hàng ủng hộ cho chính mình?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Uber tại Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng cho hay, hiện Uber Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 8% thị phần với 300.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á được Uber thử nghiệm phương thức thanh toán bằng tiền mặt với khoảng 50% khách hàng sử dụng dịch vụ.
"Đây không phải một chiêu marketing mà là một thực tế đang được áp dụng tại Việt Nam. Khách hàng có thể sử dụng 100 điện thoại, cùng lúc đăng kí sử dụng dịch vụ Uber, sẽ rơi xác xuất khoảng 46% được đồng ý sử dụng tiền mặt thanh toán phí
Còn lý do vì sao tài xế ngại thu tiền mặt có thể vì họ sau khi nhận thanh toán bằng thẻ quen rồi sẽ thấy tiền mặt bất tiện vì phải trả tiền lẻ, gặp tiền rách…", CEO Đặng Việt Dũng khẳng định.
Liên quan đến việc Uber nhận trả tiền qua tài khoản, người sử dụng uber trả tiền đổ thẳng vào tài khoản tại Hà Lan khiến nhiều người đặt dấu hỏi về câu chuyện lách thuế, tuy nhiên CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng khẳng định Uber không lách thuế.
Dòng tiền của Uber hiện ra trên tổng doanh thu chứ không phải là dòng tiền thực tế và thuế được tính trên tổng doanh thu, uber vẫn thực hiện đầy đủ.
Nếu chuyến đi hết 100 đồng, trên hệ thống sẽ ghi nhận doanh thu của uber là 100 đồng, sau đó trừ 80 đồng cho đối tác vận chuyển và uber giữ 20 đồng phí dịch vụ. Dòng tiền chỉ là yếu tố để kiểm chứng, không ảnh hưởng trực tiếp đến tính thuế.
Còn nếu khách hàng trả tiền mặt, tài khoản tại Hà Lan không nhận được đồng nào, nhưng trên hợp đồng điện tử đã ghi lại thông tin dữ liệu về chuyến đi, doanh thu về chuyến đi đó vẫn được tính trên hệ thóng. Bởi vậy cơ quan thuế dễ dàng truy xuất doanh thu để tính toán về mức thuế, phí.
Ngoài ra, trước những lùm xùm gần đây cho rằng đi taxi Uber không đảm bảo về an toàn cho hành khách, ông Dũng khẳng định: Taxi trước khi làm hợp đồng với Uber đều đã mua bảo hiểm bởi vậy quyền lợi của khách hàng khi đi uber cũng như đi các hãng xe khác, đều được công ty bảo hiểm chi trả đầy đủ khi xảy ra sự cố như tai nạn, thiệt mạng. Nói Uber không có bảo hiểm khách hàng là chưa đúng
Theo ông Dũng, cái hơn của Uber là công ty nắm rõ quy trình hoạt động của taxi trên một chuyến đi, sẽ biết lý do vì sao taxi gặp tai nạn, lỗi thế nào…
"Khi hành khách gặp nạn, công ty bảo hiểm chi trả cho taxi đúng như các taxi khác. Đó là trách nhiệm nhân sự. Còn trách nhiệm hình sự do cá nhân gây ra và tổ chức quản lý có liên đới nếu không thực hiện đầy đủ tiêu chí quản lý ban đầu (kí hợp đồng khi taxi chưa có tiền án tiền sự, chưa phạm tội…", ông Dũng nói.
An Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét