Đôi khi cố gắng tiêu diệt hết các tế bào ung thư không phải là một lựa chọn phù hợp.
Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư đa phần sẽ liên quan đến hóa trị liệu với hi vọng tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư nhất có thể dựa trên liều lượng hóa chất sử dụng. Mặc dù vậy, phương pháp này để lại nhiều hệ quả không tốt cho sức khỏe khi mà những tế bào bình thường cũng trở thành "thiệt hại ngoài ý muốn" sau khi kết thức quá trình điều trị bằng hóa chất.
Để hạn chế vấn đề này, các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Moffitt (Florida, Mỹ) đã phát triển một liệu phát điều trị mới theo hướng thay vì tập trung vào việc tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt, các bác sỹ sẽ sử dụng một lượng rất nhỏ hóa chất để kiểm soát các tế bào kháng hóa trị với sự hỗ trợ của những tế bào vẫn nhạy cảm với thuốc chống ung thư.
Với tên gọi liệu pháp thích ứng, bác sỹ chuyên khoa ung thư Robert Gatenby - tác giả của nghiên cứu nay - giải thích thêm về phương pháp điều trị mới: "Trước đây, các bác sỹ thường đi theo một xu hướng là sử dụng hóa trị liều cao dựa trên giả định tự nhiên rằng bệnh nhân sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất nếu họ có thể tiêu diệt nhiều tế bào ung thư nhất có thể. Tuy nhiên theo nguyên tắc tiến hóa, hóa trị liều cao sẽ có ít cơ hội thành công nhất trong mục tiêu kiểm soát sự phát triển của bệnh vì nó sẽ tạo ra những tế bào kháng thuốc cực kỳ dai sức. Điều này sẽ khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vì hóa trị liều cao cũng sẽ tiêu diệt không ít tế bào "đôi thủ" có khả năng kìm hãm sự phát triển của những tế bào ung thư khác ở mức độ nhất định".
Hay nói cách khác, thay vì cố gắng tiêu diệt hoàn toàn khối bằng hóa trị liều cao nhưng có nguy cơ rủi rỏ không hề nhỏ, các bác sỹ sẽ tiếp cận một cách "thân thiện" hơn để kiểm soát sự phát triển của các tế bào ung thư. Mục tiêu của liệu pháp thích ứng là hướng tới một sự kiểm soát lâu dài đối với khối u, giúp bệnh nhân có thể sống chung với nó mà không có vấn đề gì xảy ra. Để kiểm nghiệm lý thuyết này, bác sỹ Gatenby và đồng nghiệp đã thử nghiệm trên những con chuột mắc 2 dạng ung thư khác nhau: ung thư vú âm tính với thụ thể nội tiết (triple-negative breast cancer) và ung thư vú dương tính với thụ thể oestrogen (ER+ breast cancer).
Các bác sỹ đã tiếp cận vấn đề này theo 3 cách khác nhau với cùng một điểm bắt đầu là tối đa lượng thuốc trong hóa trị liều cao: cách đầu tiên là liên tục sử dụng liều lượng như vậy trong suốt cuộc thí nghiệm, cách thứ 2 là sử dụng liệu pháp thích ứng với liều lượng thuốc ít hơn (AT-1) khi khối u có dấu hiệu suy giảm về kích thước, cách cuối cùng là ngưng dùng thuốc khi khối u đã trở nên nhỏ hơn (AT-2).
Kết quả cho thấy khối u đều nhỏ đi sau khi sử dụng tối đa liều lượng trong hóa trị liều cao, nhưng ở 2 cách thức tiếp cận là tiếp tục sử dụng liều lượng như vậy và chấm dứt công đoạn hóa trị đều khiến khối u phát triển trở lại với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn trước. Trong khi đó, cách tiếp cận thứ 2 khiến cho khối u cứ giảm dần về kích thước cho đến một giới hạn mà theo đánh giá của bác sỹ Gatenby nó không có nhiều cơ hội phát triển trở lại nữa. Ngoài ra, những con chuột theo hướng tiếp cận AT-1 cũng có tuổi thọ cao hơn hẳn so với những người anh em ở cách AT-2 với tỷ lệ sống sót cùng với khối u đã được thu nhỏ lên tới 80%.
Để theo dõi phản ứng của khối u với thuốc, các nhà khoa học đã sử dụng hình ảnh chụp cộng hưởng từ và một thuật toán điều chỉnh lượng thuốc dựa trên những kết quả kiểm tra tình trạng sinh lý của chuột theo cách tiếp cận AT-1. Bác sỹ Gatenby cho biết hướng đi của cách tiếp cận này giống như cách nông dân Mỹ sử dụng máy tính để kiểm soát tình trạng dịch bệnh và sâu bọ trên những trang trại của họ.
Hiện tại, các bác sỹ đang gấp rút thực hiện những giai đoạn cuối cùng để có thể xin phép Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) tiến hành thử nghiệm liệu pháp mới này trên những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt. Đây có thể sẽ trở thành một hướng đi hoàn toàn mới trong việc điều trị ung thư nhờ hóa trị liệu và bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm tham gia chữa trị theo cách này mà không phải lo lắng quá nhiều về tác dụng phụ của nó.
Tham khảo ScienceAlert
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét