ictnews
Mặc dù thuộc nhóm quốc gia trả lương cao cho ngành công nghệ thông tin, nhưng có những vị trí ở công ty Việt Nam, nhân viên chỉ được trả 5 triệu đồng/tháng.

Tùy từng vị trí công việc ở các công ty khác nhau mà lương người lao động trong ngành CNTT rất chênh lệch với nhau, từ 5 triệu đồng là mức thấp cho đến mức cao tới hơn trăm triệu đồng/tháng.

Trong buổi tiếp Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) hôm 28/5, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC - cho biết mức lương trung bình của nhân sự ở QTSC là 8-10 triệu đồng/tháng, đối với người làm khoảng 3 năm kinh nghiệm. Ông Đinh La Thăng nhận định mức lương này khá thấp, không đủ sống.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung - trong một sự kiện vào tháng 5/2016 - Ảnh: H.Đ

Trao đổi với ICTnews hôm 2/6, ông Long cho biết mức lương 8-10 triệu đồng/người/tháng là mức trung bình thực tế đang diễn ra ở Công viên phần mềm Quang Trung - nơi tập hợp nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau, kinh doanh các lĩnh vực phần mềm khác nhau. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm (ITO), mức lương trung bình có thể cao hơn, nhưng đối với các doanh nghiệp gia công quy trình kinh doanh (BPO - Business Process Outsourcing) thì mức lương không bằng. Nguyên do là các doanh nghiệp BPO cần nhân lực CNTT nhưng không quá chuyên sâu như nhập liệu, xử lý dữ liệu, quét dữ liệu… 

Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc công ty Global Cybersoft Việt Nam - một công ty hoạt động trong QTSC - cho biết, mức lương trung bình cho nhân sự làm trong ngành CNTT không có ý nghĩa nhiều vì lương có sự chênh lệch khá rõ, tùy vào lĩnh vực, mức độ kinh nghiệm và chuyên sâu của vị trí.

Ngoài ra, với một số doanh nghiệp bên cạnh khoản lương hàng tháng thì tiền thưởng dự án, phụ cấp và một số kỹ năng khác, ví dụ kỹ năng tiếng Anh, tiếng Nhật cũng ảnh hưởng khá rõ tới thu nhập. Ví dụ một kỹ sư mới ra trường, nếu không có kỹ năng đặc biệt và chưa thể làm việc ngay thì mức lương khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng là phổ biến do công ty phải đào tạo thêm một thời gian, qua nhiều mức độ, đào tạo ngay trên công việc (on-job training) thì mới có thể tham gia đầy đủ vào các dự án.

Trong khi đó, kỹ sư có kinh nghiệm, tuỳ mức độ và lĩnh vực, có thể có mức lương dưới 10 triệu đến vài chục triệu đồng. Một số kỹ sư có kiến thức chuyên sâu, ở lĩnh vực đặc biệt hoặc đảm nhiệm vai trò kỹ sư trưởng, trong nhiều trường hợp thu nhập có thể cao hơn vị trí quản lý. Đứng ở góc độ ngành, ông Toàn cho biết, theo báo cáo mới nhất khảo sát hàng năm về lương năm 2015 của Mercer - công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới - ngành CNTT Việt Nam có mức lương thuộc nhóm cao nhất, đứng hàng thứ 6, trong tất cả các ngành tại Việt Nam.

Nhân sự CNTT có mức lương khác nhau tùy theo năng lực và vị trí, kinh nghiệm, kỹ năng - Ảnh: H.Đ

Ông Lại Đức Nhuận, Giám đốc công ty Lario Computing cho hay, mức lương 8-10 triệu đồng/tháng cũng đúng với nhiều công ty, tuy nhiên công ty Lario thì trung bình cao hơn, khoảng 9-12 triệu đồng đối với nhân sự 3 năm kinh nghiệm. Nhưng mức này cũng chỉ là tương đối, phụ thuộc vào mức độ tiến triển của nhân viên. Một nhân viên mới ra trường, vào làm Lario có thể nhận lương 6-8 triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng lương 10-20% thì có thể đạt 10-12 triệu đồng sau 3 năm. Lario nằm trong công viên phần mềm Quang Trung, có hơn 150 nhân sự làm việc trong lĩnh vực gia công phần mềm, với thị trường chính là Mỹ và châu Âu.

Ngoài vấn đề lương, ông Lâm Nguyễn Hải Long cũng cho rằng khâu đào tạo sinh viên CNTT vướng nhiều bất cập. Không ít doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng nhân sự nhưng khó tìm người, trong khi đó có nhiều sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Lý do là các trường đào tạo tràn lan ngành CNTT, dẫn đến chất lượng sinh viên không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Trên thực tế, với các trường top đầu như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa thì đa phần sinh viên ra trường là có việc làm ngay hoặc các trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc tế thì sinh viên cũng không khó tìm việc; trong khi sinh viên nhiều trường khác phải vất vả đi tìm. 

Sở dĩ có tình trạng này là do chất lượng đầu vào ở các trường top được đảm bảo. Hầu hết học sinh có năng lực đều vào các trường có tên tuổi lâu đời. Thêm vào đó, các trường tốt lại bị khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, không được tuyển nhiều. Với vài trăm sinh viên tốt nghiệp hàng năm, người học các trường này đa số đều tìm được việc làm phù hợp. 

Liên quan vấn đề đào tạo, ông Long kiến nghị nới rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường vốn có truyền thống đào tạo tốt và hạn chế chỉ tiêu ở các trường kém chất lượng.

Hải Đăng

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google