ictnews
Khẳng định việc thu hút, giữ chân nhân lực đặc biệt là nhân lực trình độ cao luôn là vấn đề sống còn với doanh nghiệp CNTT, song Tổng Thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang cũng nhấn mạnh, lương chưa phải là tất cả để có thể giữ chân nhân sự chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang,  Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.

Như ICTnews đã thông tin, cuộc trao đổi giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) ngày 28/5 về mức lương của kỹ sư CNTT tại QTSC đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người về lương, thu nhập và mức sống hiện nay của đội ngũ nhân lực CNTT Việt Nam trong tương quan so sánh với nhân lực CNTT của các nước trong khu vực cũng như mặt bằng chung giữa các ngành nghề tại Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với ICTnews về vấn đề nêu trên, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về bức tranh nhân lực ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện nay.

VINASA nhận định như thế nào về thông tin được Giám đốc QTSC chia sẻ cũng như kết quả khảo sát của tổ chức PIKOM và mạng việc làm JobStreet.com về lương của kỹ sư CNTT Việt Nam?

Tại Việt Nam, hiện có rất ít các báo cáo, khảo sát về thực trạng của ngành, số liệu trích dẫn trong nhiều năm qua chỉ dựa vào Sách trắng CNTT-TT của Bộ TT&TT. Tuy nhiên từ năm 2015, Sách trắng không được tiếp tục xuất bản nên số liệu chính thống về ngành đang là khoảng trống.

QTSC tập trung nhiều doanh nghiệp phần mềm, CNTT làm việc tại đó, vì vậy QTSC chắc đã có những khảo sát với các doanh nghiệp hoạt động trong Công viên về lương nên số liệu sẽ sát với thực tế hơn. Nói chung các tổ chức nghiên cứu đều có cách thức tiến hành, phương pháp nghiên cứu, khảo sát khác nhau, phương thức thống kê, báo cáo khác nhau, điều này cũng dẫn đến những sự khác nhau về kết quả.

Vậy qua theo dõi và nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp trong ngành, VINASA có thể cho biết hiện nay mức lương của nhân lực CNTT Việt Nam là bao nhiêu?

VINASA hiện có gần 350 doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc là các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chiếm 70% doanh thu của toàn ngành phần mềm và khoảng 65% nhân sự trong ngành phần mềm Việt Nam. Chúng tôi có trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp hội viên và hàng năm đều có các chương trình hoạt động, có lấy thông tin số liệu của các doanh nghiệp trong ngành.

Liên quan đến lương và thu nhập của các kỹ sư trong ngành phần mềm, CNTT Việt Nam, tháng 10/2015, VINASA đã công bố một số số liệu về thu nhập của nhân sự trong ngành CNTT Việt Nam trên ấn phẩm 40 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015.  Theo đó, với những nhân sự mới ra trường, mức lương của họ khoảng 250 - 280 USD. Nhân sự đã có 3 năm kinh nghiệm là 400 - 600 USD, cấp Trưởng phòng khoảng 800 - 1.000 USD và các lãnh đạo cao cấp có thu nhập 1.500 - 2.000 USD/tháng.

Còn về sự khác biệt của lương kỹ sư hai mảng phần cứng và phần mềm, theo báo cáo trong Sách trắng CNTT-TT do Bộ TT&TT công bố năm 2013, mức lương bình quân của phần cứng là 2.301 USD/năm, còn phần mềm là 5.025 USD/năm. Mức lương bình quân này có tăng lên trong 2 năm gần đây. Về cơ bản vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực phần cứng và phần mềm.

So với lương kỹ sư CNTT của một số nước trong khu vực và tương quan với các ngành nghề khác, lương kỹ sư CNTT Việt Nam là cao hay thấp, thưa bà?

VINASA đã tiến hành khảo sát về tình hình nhân lực trong ngành CNTT tại một số nước trong khu vực vào tháng 10/2015. Kết quả cho thấy lương của nhân lực ngành CNTT Việt Nam thấp hơn các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan; cao hơn các nước Myarmar, Lào, Nepal; và xấp xỉ với các nước Sri Lanka, Bangladesh.

Còn về so sánh mức lương CNTT với các ngành nghề khác tại Việt Nam thì mức thu nhập của nhân sự làm việc trong CNTT có mặt bằng cao hơn các ngành khác. Ngoài ra, các kỹ sư trong ngành phần mềm có môi trường làm việc rất hiện đại, trẻ trung, năng động, liên tục đổi mới, sáng tạo. Không chỉ thế, các kỹ sư phần mềm, CNTT Việt Nam còn có nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thị trường quốc tế. Đó là các cơ hội học hỏi rất tốt cho các kỹ sư trẻ của Việt Nam mà không phải ngành nào cũng có được, đặc biệt hiện nay khi Việt Nam đã gia nhập ACE, TPP.

Với mức sống tại Việt Nam hiện nay, theo quan điểm của VINASA, mức lương/thu nhập như thế nào thì được coi là đủ sống đối với nhân lực CNTT?

Nói mức lương như thế nào là đủ sống thì rất khó, vì mỗi người đều có nhu cầu khác nhau, sở thích và mong muốn khác nhau. Tuy nhiên có thể nói, so với mặt bằng chung, thu nhập của kỹ sư CNTT hiện nay cao hơn thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng 4 - 5 lần, ở mức khá so với tương quan các ngành khác.

Đối với các doanh nghiệp CNTT, việc thu hút và giữ chân nhân lực đặc biệt là nhân lực trình độ cao luôn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lương chưa phải là tất cả để có thể giữ chân nhân sự chất lượng cao. Các doanh nghiệp cần có chính sách lương phù hợp và các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chỉ ra cho nhân viên thấy con đường nghề nghiệp rõ ràng để nhân viên biết rõ những mục tiêu, những bước thăng tiến họ có thể đạt được trong sự nghiệp tại doanh nghiệp để yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động đoàn thể, tạo môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, chú trọng đến xây dựng và phát triển con người… để có thể thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng cao. Đây cũng chính là cách để phát triển một môi trường cạnh tranh nhân sự một cách lành mạnh hướng trọng tâm vào phát triển con người, góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành CNTT Việt Nam.

Chất lượng nhân lực CNTT Việt Nam luôn được đối tác quốc tế đánh giá cao

Tổng thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, trong hơn 10 năm qua, ngành phần mềm của Việt Nam có bước phát triển rất nhanh chóng, doanh thu năm 2015 cao gấp hơn 60 lần doanh thu năm 2000. Hiện nay trong ngành có khoảng gần 200.000 kỹ sư đang làm việc. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam luôn được các đối tác quốc tế đánh giá cao. Nhiều kỹ sư được đào tạo và làm việc tại nước ngoài đã tiếp thu được trình độ công nghệ tiên tiến tại các nước tiên tiến trở về Việt Nam là nguồn nhân lực rất tốt giúp vị trí của Việt Nam ngày càng cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành trên toàn thế giới. Trước đây, các công việc tại Việt Nam chủ yếu là lập trình (coding) hoặc kiểm thử (testing), đến nay nhiều công ty đã đảm nhận các công việc ở tầm cao hơn như thiết kế hệ thống, nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn có một số điểm yếu như: trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án…). Sự khác biệt giữa đào tạo trong nhà trường và thực tế công việc cũng là vấn đề lớn khiến các kỹ sư khi ra trường chưa thể làm việc được ngay. Các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại nhân lực từ 3 - 6 tháng sau tuyển dụng. 

Vân Anh (Thực hiện)

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google