ictnews
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT khẳng định, công văn mới đây Cục Báo chí đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường quản lý nội dung thông tin trên fanpage Facebook nhằm khuyến nghị các báo quản lý thông tin chứ không phải là cản trở tự do ngôn luận.

Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, khi đưa vấn đề gì lên fanpage của báo mình, cơ quan báo chí cần lưu ý đến các bình luận, phải chủ động thông tin và kiểm soát nội dung thông tin, không được buông lỏng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Như ICTnews đã đưa tin, ngày 1/7/2016, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã có Công văn 779 gửi các cơ quan báo chí về việc tăng cường quản lý nội dung thông tin trên trang fanpage Facebook. Công văn nêu rõ, để đảm bảo hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên các trang fanpage của cơ quan báo chí tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Cục Báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức của cơ quan mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng bình luận, tuyên truyền xuyên tạc, gây dư luận xấu.

Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí và các cá nhân được giao trực tiếp quản trị, điều hành fanpage, thực hiện yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, quản lý chặt chẽ nội dung, tuân thủ nghiêm các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội và các quy định khác của pháp luật.

Cục Báo chí cũng cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cung cấp nội dung vi phạm trên môi trường mạng.

Tuy nhiên ngay sau khi được ban hành, dư luận đã có nhiều ý kiến về công văn này, thậm chí có nhiều người còn cho rằng công văn của Bộ TT&TT gây cản trở tự do ngôn luận của người dân trên các diễn đàn mạng xã hội.

Trao đổi với báo chí vào chiều qua (ngày 6/7/2016), Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh: “Ý kiến cho rằng công văn của Bộ TT&TT gửi các cơ quan báo chí gây cản trở tự do ngôn luận là một cách hiểu không đúng, suy diễn. Bởi lẽ, bất cứ quốc gia nào cũng có quy định pháp lý để bảo vệ những cá nhân tham gia môi trường mạng. Bảo vệ ở đây là tạo điều kiện cho các cá nhân tự do ngôn luận, và nước ta cũng như vậy. Người dùng mạng xã hội có thể phát ngôn nhiều thứ nhưng anh không được xúc phạm cá nhân, tổ chức khác. Công văn này là để khuyến nghị tới các cơ quan báo chí bảo vệ chính những người dùng các trang mạng xã hội và các tổ chức, không phải cản trở tự do ngôn luận”.

Chia sẻ thêm về lý do Cục Báo chí gửi công văn yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường quản lý nội dung thông tin trên trang fanpage Facebook, ông Phúc cho biết, việc tích hợp nhiều loại hình báo chí hiện nay là rất phù hợp với nhu cầu của người dân, vì vậy nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage để đăng tải bài viết của báo mình.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm gần đây cho thấy, một số cơ quan báo chí mở fanpage facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận để một số đối tượng lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng. Gần đây nhất, một tờ báo chính thống với lượng độc giả rất lớn đã vi phạm vấn đề này và đã bị xử lý. Bên cạnh đó, cũng đã có những cá nhân và tổ chức bị xúc phạm có khiếu nại, kiểm tra của Cục cho thấy phản ánh của các cá nhân, tổ chức là đúng. “Đây chính là lý do chúng tôi quyết định ra công văn nhằm khuyến nghị các cơ quan báo chí cần phải quản lý chặt hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức của cơ quan mình”, ông Phúc nói.

Mặc dù hơn 1 lần nhấn mạnh công văn 779 ngày 1/7 của Cục Báo chí gửi các cơ quan báo chí là nhằm khuyến cáo báo quan tâm hơn nữa đến việc quản lý nội dung thông tin trên fangage của báo mình, song theo ông Phúc, trường hợp để xảy ra sai phạm, các cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, với mức phạt tiền lên tới hàng chục triệu đồng.

Cụ thể, theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện, mức phạt đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” mức phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Tại điểm a, khoản 3 Điều 64 của Nghị định 174, hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Và tại điểu a khoản 4 Điều 65 của Nghị định 174, hành vi “Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền từ 30 -50 triệu đồng…

Đề cập đến khó khăn của các cơ quan báo chí khi phải quản lý, kiểm soát nội dung những comment (bình luận) dưới các bài viết được đăng tải trên trang fanpage của cơ quan báo chí do các bình luận được cập nhật liên tục, được chia sẻ rất nhanh, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho rằng, một cơ quan báo chí chấp nhận sử dụng fanpage thì cơ quan đó phải đảm bảo thông tin của mình, có thể phải sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc dùng nhân sự để kiểm soát. Khi mở fanpage, công bố rộng rãi trang thông tin của mình trên mạng xã hội, cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên đó, không thể đổ lỗi đó là ý kiến của người khác, không thể để diễn đàn ngôn luận của mình thành nơi xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng như nhau nhưng vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực chung về đạo đức và pháp luật của mỗi quốc gia. Facebook là trang cho phép ẩn danh tính, có thể nói nhiều thứ và phủ nhận trách nhiệm, nhưng ở đây với tư cách là cơ quan nhà nước, với danh nghĩa chính thức thì cơ quan đó phải chấp hành các quy định của pháp luật. Vì mỗi thông tin facepage đó đều thể hiện quan điểm của cơ quan đó. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt thì một số đối tượng sẽ lợi dụng các diễn đàn chính danh này để đăng các bình luận xúc phạm cá nhân, tổ chức và thông tin xuyên tạc. Do đó, các cơ quan báo chí nếu không kiểm duyệt mà để thế lực xấu lợi dụng đưa ra các quan điểm sai trái, xúc phạm cá nhân, tổ chức thì chính cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”, ông Phúc nhấn mạnh. 

M.T

GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google