Những người quay video ở chế độ màn hình dọc thường bị nhắc nhở và bị chê là "nghiệp dư", nhưng hầu hết người dùng thiết bị di động có thói quen cầm máy theo chiều dọc, vậy sao lại bắt họ xoay ngang để ghi hình?
Câu hỏi này đã được mổ xẻ trên nhiều diễn đàn công nghệ. Trước đây, đa số các phương tiện phát video có màn hình ngang, như trong rạp chiếu phim, TV, máy tính, laptop... Những video quay dọc khi hiển thị trên các thiết bị này sẽ có viền đen gây khó chịu.
Không ít người dùng di động được nhắc nhở phải xoay ngang điện thoại khi quay video, để tránh hai viền đen xấu xí khi xem video đó trên máy tính, TV. |
Tuy vậy, sự ra đời của điện thoại thông minh, tablet khiến số lượng ảnh và video được chia sẻ trên Internet tăng vọt. Đa phần người dùng di động ít khi xoay điện thoại khi quay video, chụp ảnh. Họ cảm thấy thoải mái nhất khi cầm smartphone dọc bằng một tay. Họ cũng thích nội dung phù hợp với màn hình họ đang xem. Với video ngang, người xem chỉ thấy được những khung hình nhỏ xíu (vừa với chiều rộng của điện thoại), còn khoảng trống phía trên và dưới quá nhiều. Trong khi đó, xoay ngang điện thoại sẽ đi ngược với thói quen cầm thiết bị di động của họ, chưa kể không ít người đã mặc định khóa chế độ xoay màn hình (màn hình luôn hiển thị nội dung theo chiều dọc).
Video dọc phù hợp với thói quen cầm điện thoại của người dùng. Ảnh: Natcomglobal |
Nhận thấy xu hướng này, một loạt dịch vụ như Snapchat, Periscope, Meerkat, Vervid, Facebook, Twitter, YouTube... đã quyết định loại bỏ phần viền đen khi người dùng xem video quay ở chế độ dọc trên các ứng dụng di động.
Smartphone đang ngày một thịnh hành, dự kiến có khoảng 70% dân số, tương đương 6,1 tỷ người, sẽ sử dụng smartphone vào năm 2020. Họ đã được "rèn luyện" để cảm thấy thoải mái với việc đọc e-mail, xem ảnh, video theo chiều dọc. Do đó, ngành công nghiệp đang quan tâm đến vấn đề này một cách nghiêm túc hơn và thừa nhận đây sẽ là xu hướng của tương lai.
Tất nhiên, các chuyên gia nội dung số cho rằng người dùng chưa đón nhận việc xem những bộ phim dài tới hơn tiếng đồng hồ ở chế độ dọc. Nhưng giới phát triển website, ứng dụng... nên cởi mở hơn để phục vụ người dùng di động. Chẳng hạn, khi nhận thấy họ đang xem video dọc trên điện thoại, hệ thống cần tự động điều chỉnh để phát video đó ở chế độ toàn màn hình thay vì mặc định hiển thị ở chế độ ngang kèm hai viền đen khó chịu.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét