“Bình dân hóa" cước cáp quang xuống mức 200 nghìn đồng/tháng
Theo số liệu thống kê từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính tới hết tháng 4/2016, Việt Nam hiện có 4,57 triệu thuê bao Internet cáp quang, gấp 1,6 lần lượng thuê bao Internet cáp đồng, đang ở mức 2,8 triệu thuê bao. Đây là mức tăng trưởng rất nhanh nếu nhìn vào tháng 4/2014, thuê bao mạng cáp quang chỉ đạt khoảng 353 nghìn thuê bao, tháng 4/2015, số lượng này đã tăng gần 3,5 lần lên mức 1,22 triệu thuê bao. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, mạng cáp quang mỗi năm tăng từ 3 - 4 lần và đang có xu hướng thay thế mạng cáp đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng “phi mã” của thuê bao cáp quang đến từ việc các nhà cung cấp dịch vụ chủ động chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn cũng như sự cạnh tranh khuyến mãi của các doanh nghiệp đã làm “bình dân hóa” giá cước cáp quang. Nếu như trước đây mức giá cáp quang xấp xỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng thì nay giá cước thấp nhất đã xuống dưới 200 nghìn đồng/tháng.
Với FPT Telecom, đơn vị này đang cung cấp 5 gói dịch vụ cho khách hàng hộ gia đình với các mức cước khác nhau. Cụ thể, với gói cước F5, một trong các gói cước phổ thông (băng thông download 16Mbps/băng thông upload 16Mbps), nếu người dùng đóng trước 12 tháng thì mức cước được ưu đãi chỉ còn dưới 200 nghìn đồng.
Còn Viettel Telecom đang có khoảng 6 gói cước cho khách hàng cá nhân từ Fast10 (10Mbps/10Mbps) cho đến Fast40 (40Mbps/40Mbps) với mức giá khuyến mãi trong 24 tháng từ 185 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng, giảm khoảng 65 nghìn cho đến 200 nghìn đồng/tháng so với mức giá niêm yết. Bên cạnh đó, khách hàng còn được tặng thêm từ 1-3 tháng sử dụng nếu đóng trước từ 6-18 tháng sử dụng. Thậm chí, tại một số tỉnh thành, Viettel Telecom còn cung cấp gói cước Fast 8 với tốc độ 8Mbps với mức giá khuyến mãi chỉ còn 165 nghìn đồng.
Cuối cùng, VNPT cung cấp gói cước có tốc độ từ 12 Mbps cho đến 14 Mbps cho khách hàng, trong đó nếu khách hàng đóng trước từ 6 - 12 tháng thì cũng được giảm giá xuống dưới 200 nghìn đồng/tháng.
Như vậy, mạng cáp quang từ một dịch vụ dành cho các khách hàng doanh nghiệp hay những khách hàng có thu nhập cao thì nay đã trở thành một dịch vụ “bình dân” với mức giá chỉ tương đương giá dịch vụ ADSL trong khoảng từ 200- 350 nghìn đồng.
Áp lực cạnh tranh quá lớn khiến các doanh nghiệp như Viettel, VNPT hay Viettel liên tục giảm giá cước cáp quang FTTH xuống trên dưới 200 nghìn đồng/tháng, tương đương mức cước ADSL ngày trước. |
Cạnh tranh khốc liệt khiến các doanh nghiệp đua giảm giá
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom, bên cạnh chính sách “quang hóa” của các nhà cung cấp dịch vụ khi chuyển mạng cáp đồng sang mạng cáp quang cho người dùng tại các thành phố lớn, nguyên nhân dẫn đến giá cáp quang ngày càng giảm một phần do xu thế thay đổi công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ khiến người dùng ưu tiên lựa chọn mạng cáp quang tốc độ cao thay vì cáp đồng.
Ngoài ra, sự tham gia vào thị trường Internet của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền như VTV Cab, SCTV cũng là một lý do khác góp phần khiến mức giá giảm sâu như hiện nay khi cung cấp các gói cước combo Internet và truyền hình trên hạ tầng mạng cáp quang.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho biết, các doanh nghiệp đang trong quá trình thu hút người dùng nên phải có sự cạnh tranh về giá, tuy nhiên sau khi thuê bao đạt mức bão hòa thì giá cả, chất lượng dịch vụ sẽ có những sự khác biệt nhất định so với hiện nay. Vì để đảm bảo có lợi nhuận tốt, các đơn vị phải điều chỉnh, ví dụ sẽ tối giản nhân sự nên thời gian support (hỗ trợ) lâu hơn…
“Việc phải giảm giá cước cáp quang cũng do các doanh nghiệp chịu áp lực quá lớn khi năm nào cũng phải đảm bảo sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, thuê bao dẫn đến giảm giá mạnh để đảm bảo số lượng theo từng năm, trong phạm vi ngắn hạn”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Đại diện CMC Telecom cho hay, đơn vị này kết hợp với VTV Cab để cung cấp gói cước Internet trên mạng truyền hình cáp. Tuy nhiên, trước mức giá xuống dưới 200 nghìn đồng như hiện nay, dù chịu áp lực cạnh tranh rất lớn nhưng cả VTV Cab và CMC Telecom đều không thể tiếp tục giảm giá xuống thấp như vậy vì không thể bù chéo giống như những doanh nghiệp lớn cung cấp đa dịch vụ.
Cũng liên quan đến giá dịch vụ cáp quang, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ TT&TT tháng 7/2015, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho hay, trong vòng từ năm 2013 trở lại đây tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT đã tăng gấp 20 lần về số lượng thuê bao nhưng cước dịch vụ băng rộng lại giảm rất mạnh. Nguyên nhân do cạnh tranh giữa các nhà mạng nên cước thuê bao băng rộng giảm mạnh, trước kia giá thuê bao bình quân từ 600 nghìn -700 nghìn đồng nay giảm chỉ còn 300 nghìn đồng, có gói cước chỉ khoảng 150 nghìn đồng/tháng. Do đó, ông Hùng đề nghị, cơ quan quản lý cần xem xét có chính sách để hạn chế cuộc chiến cạnh tranh về giá cáp quang, chống nguy cơ bán phá giá để thị trường đi vào ổn định.
Trong năm 2011, Viettel đã từng gây “cú sốc” trên thị trường mạng Internet cáp quang khi đưa ra gói cước FTTH Eco tốc độ 12 Mbps với giá 350.000 đồng/tháng hay gói cước FTTH TV (mức cước hàng tháng 300.000 đồng) với băng thông 10 Mbps cùng một loạt các chương trình khuyến mãi lên đến 50% đến 75% phí sử dụng hàng tháng cho khách hàng đăng ký mới. Khi đó, các nhà mạng như VNPT, FPT Telecom.. đều “án binh bất động” và chưa thể đưa ra được mức cước cáp quang thấp như của Viettel Telecom. Đến năm 2014, VNPT bắt đầu đưa ra gói cước cáp quang F2F ( tốc độ 12 Mbps/12 Mbps) với mức giá trọn gói là 350 nghìn đồng/tháng, khi khách hàng tùy chọn đóng trước từ 6 đến 18 tháng thì mức cước xuống thấp nhất chỉ còn 200.000 tháng. Đến năm 2015, FPT Telecom bắt đầu tham gia cuộc chiến FTTH giá rẻ. Như vậy, các doanh nghiệp đều đã chính thức bị cuốn vào "cuộc chiến" cáp quang giá rẻ.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, thị phần thuê bao năm 2014 của mạng Internet cáp quang, Viettel chiếm khoảng 58,4%, VNPT khoảng 33,9%, FPT Telecom chỉ có khoảng 6% thị phần. Tuy nhiên, trong năm 2015, với gói cước giá rẻ, thị phần của FPT Telecom đã tăng lên đáng kể và chiếm 25,4%, Viettel dù giảm gần 18% nhưng vẫn đứng số 1 về thị phần với 40,8%, VNPT vẫn giữ khoảng 33,3 % thị phần thuê bao.
Thế Phương
GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét