ictnews
Khẳng định hệ thống máy chủ của các ngân hàng an toàn, ông Nguyễn Hưng, TGĐ TPBank cho rằng các vụ việc như khách hàng Na Hương của VietcomBank bị mất 500 triệu đồng đều liên quan đến lừa đảo phishing hoặc vấn đề pháp lý trong giao dịch, nếu khách hàng có nhận thức tốt về bảo mật sẽ hạn chế được rủi ro.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank. Ảnh: Việt Hải.

Trao đổi tại Tọa đàm "An toàn Thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế" do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, trong tháng 8/2016 có nhiều vụ việc nổi cộm đã xảy ra liên quan đến giao dịch ngân hàng. Ví dụ vụ mất 500 triệu đồng của khách hàng Na Hương (sử dụng dịch vụ của VietcomBank) là vụ lừa đảo phishing bên ngoài (lừa đảo nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu hay thông tin về các loại thẻ tín dụng của người dùng - PV) chứ không phải tấn công máy chủ.

Còn vụ khách hàng Trần Thị Thanh Phúc (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) tố cáo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã thực hiện giao dịch chuyển 4 tỷ đồng không đúng quy định thì đây cũng là vụ việc liên quan đến vấn đề pháp lý chứ không phải mất an toàn an ninh của ngân hàng.

Theo ông Hưng, hiện nay các ngân hàng đầu tư nhiều vào hệ thống máy chủ, bảo mật để đảm bảo an toàn cao nhất, hacker không thể tấn công được vào hệ thống máy chủ của ngân hàng, mà chỉ là máy trạm xử lý các dịch vụ của đối tác bên ngoài.

Kể cả khi một hệ thống máy chủ bị tấn công, hacker tấn công lấy dữ liệu, làm sai lệch thông tin… thì các ngân hàng vẫn có thể sao lưu, cơ chế bảo mật khác nhau để đảm bảo an toàn. Thậm chí là khôi phục lại được dữ liệu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có quy trình để đảm bảo khi xảy ra rủi ro, thất thoát khách hàng không bị lớn. Kể cả hacker tấn công đánh cắp nhiều tỷ đồng nhưng với việc quy định giới hạn giao dịch từng lần, từng ngày được quy định giữa liên ngân hàng (ví dụ chuyển 1 ngày 200 – 300 triệu đồng), thì hacker không thể đánh cắp được số tiền lớn cùng lúc.

Mỗi năm ngân hàng có nhiều tỷ giao dịch, với lượng tiền lớn lên đến hàng ngàn triệu tỷ đồng. Những sự việc vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với các ngân hàng, gióng lên hồi chuông cảnh báo các ngân hàng có thể đôi khi lơ đễnh ở khâu nào đó sẽ dẫn đến thiệt hại…

Cũng theo vị lãnh đạo TPBank, đối với khách hàng, giao dịch trên các kênh điện tử, mobile banking, Internet Banking… đều có rủi ro. Tình trạng gian lận thẻ đã xuất hiện từ 30 – 40 năm, phishing cũng từ chục năm nay. Và thậm chí ngay cả khi giao dịch tại quầy của ngân hàng cũng có rủi ro.

Như tình trạng làm giả thẻ ATM của một số ngân hàng, thời gian qua đã phát hiện một số kẻ gian đến từ Trung Quốc, Đông Âu cũ mang thiết bị, camera cài lên trạm ATM để quay trộm dải số để in ATM khác và rút tiền của người dùng Việt Nam. Thực tế này đã gây ra mối lo sợ cho người dùng

Tổng Giám đốc TPBank cảnh báo, để hạn chế rủi ro, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cần được đặt ra cấp thiết. Không được chia sẻ password, cho mượn thẻ. Việc có được nhận thức tốt hơn sẽ đảm bảo hạn chế được rủi ro.

Cũng theo Tổng Giám đốc TPBank, trong thời gian tới, khi Việt Nam đưa vào sử dụng thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip nhiều hơn sẽ hạn chế được tình trạng gian lận, copy mã số PIN để làm giả ATM như trong thời gian vừa qua.

Nguyên Đức

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google