ictnews
Đã có lúc suy sụp tinh thần vì những người chống đối, nhưng cô gái 9x đã quyết đứng dậy để tạo kênh YouTube có hơn trăm ngàn người theo dõi.

Anh Thư, cô gái 9x đang sở hữu kênh YouTube Song Thư có gần 150.000 lượt theo dõi, cho biết cô từng bỏ kênh này trong vài tuần lễ liền vì suy sụp tinh thần. Hàng loạt bình luận ác ý của những người chống đối (anti-fan) liên tục xuất hiện dưới các video của các chị em nhà Anh Thư khiến cô từng có ý định từ bỏ kênh YouTube hiện đang rất thu hút đối tượng người xem “nhí” này.

Anh Thư (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm FAF TV trong lần ra mắt dịch vụ của YouTube tuần trước - Ảnh: H.Đ

Nói trong lần YouTube chính thức ra mắt trang dành cho người sáng tạo nội dung ở Việt Nam tuần trước, cô gái có dáng người nhỏ nhắn cho biết “phải có tinh thần thép” khi được hỏi về lời khuyên dành cho người mới làm nội dung trên YouTube. Kênh Song Thư lấy tên từ tên hai chị em đều có tên Thư trong nhà, thường xuyên tải các video thách thức vui vẻ giữa các chị em nhà Thư, đã thu hút rất nhiều lượt người xem; có clip được hơn 1 triệu lượt view. Do đó, hậu quả từ các antin-fan không chỉ làm Anh Thư stress mà còn ảnh hưởng đến các chị em và gia đình, nên cô có giai đoạn suy sụp gần như muốn bỏ tất cả. Vì vậy, một tinh thần thép là cực kỳ cần thiết khi bạn bắt đầu nổi tiếng trên mạng – Anh Thư chia sẻ.

Kênh YouTube Song Thư mới ra mắt cách đây hơn một năm. Ban đầu, Anh Thư tải lên YouTube một video clip quay lại ngôi nhà búp bê do em gái của cô làm. Chỉ sau thời gian ngắn, video clip nhận được lượng người xem nhiều đến bất ngờ, tuy nhiên có khá nhiều bình luận… chê ngôi nhà dành cho búp bê khá xấu. Chớp lấy cơ hội, cô gái bắt đầu làm các video khác, với các ngôi nhà búp bê đẹp hơn.

Anh Thư và em gái trong một clip thử thách của kênh Song Thư. Bên phải màn hình là các búp bê và nhà búp bê - Ảnh chụp màn hình

Từ sau khi được nhiều người theo dõi, kênh Song Thư bắt đầu làm các video thách thức, mô phỏng vài trò chơi ở nước ngoài. Trong clip, các chị em nhà Anh Thư sẽ thách nhau làm các trò vui, như thách nhau ăn mì cay Hàn Quốc, thi hát, thách đoán chữ, ăn ớt hiểm,…

Có lần, chị em nhà Anh Thư thách nhau… đổ mắm tôm lên đầu. Trò thách thức này, theo Thư, rất phổ biến ở nước ngoài. Tuy nhiên khi clip của Song Thư “lên sóng”, hàng loạt bình luận nói chị em nhà Thư phung phí đồ ăn, trong khi nhiều người không có thức ăn ăn qua ngày thì clip này lại cổ súy cho việc đổ bỏ. Cô gái 9x lúc đó khá bất ngờ và sốc trước phản ứng của cộng đồng mạng, sau đó đã phải gỡ bỏ video mà cô và các em đã tốn khá nhiều thời gian thực hiện.

Không đến mức bị chê tơi tả đến mức phải gỡ như trên, nhưng có những video clip khác của Song Thư được đầu tư kỹ nhưng cũng không thu hút mấy người xem. Và đó cùng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Bắt đầu từ các video thu hút người xem, bạn bè khuyên Thư nên kiếm tiền từ YouTube. Có động lực, cô gái quyết định đầu tư nghiêm túc vào các video thực hiện. Cô gần như tải các video lên mỗi ngày, và số lượt xem, đăng ký (subscribe) cũng tăng lên.

Để đầu tư nghiêm túc cho kênh video của mình, cô gái đã tạm ngưng học đại học một năm, điều này khiến ba mẹ cô phản đối quyết liệt. Dĩ nhiên không bậc cha mẹ nào muốn con mình bỏ học để đăng các video mà đôi khi bị “ném đá” tơi tả, tuy vậy các bậc phụ huynh cũng đành chấp nhận cho con gái thực hiện ước mơ vì cô đã không tìm thấy niềm vui từ ngành học không yêu thích.

Cũng nói về ước mơ và đam mê, trong sự kiện của YouTube, Trần Đức Viễn – đại diện nhóm hài FAF TV – cho biết để thành công cần phải có đam mê. Công việc là thứ sẽ gắn bó với một người suốt đời, do đó hãy chọn làm những thứ mình thích, có niềm vui trong công việc mình làm. Lời khuyên của FAF TV đối với người mới sáng tạo nội dung là phải bám theo giá trị cốt lõi của mình, ví dụ FAF TV là kênh hài, nên buộc phải làm các video có tính giải trí cao, sau đó mới nghĩ đến việc chèn các thương hiệu, nhãn hàng vào clip.

Các nhà sáng tạo nội dung cho YouTube khi đạt được lượng người theo dõi đủ cao, thường từ 100 ngàn trở lên, có thể kiếm tiền từ các quảng cáo do YouTube chèn vào, hay từ việc làm video theo đơn đặt hàng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Hải Đăng

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google