Còn những chiêu bài nào đứng sau nước đi này của Microsoft, hay thực sự đó là một quyết định có phần lầm lỡ?
Vừa mới hôm qua, Microsoft đã cho ra mắt sản phẩm máy tính đột phá Surface Studio tại buổi họp báo giới thiệu thiết bị của mình tới cộng đồng công nghệ. Không ai có thể phủ nhận những ưu điểm vượt trội của nó trên nhiều mặt, từ độ phân giải cực sắc nét mặc dù có độ dày khiêm tốn, mỏng gọn, kích thước màn hình lớn 28 inch cảm ứng siêu nhạy, thiết kế tiên tiến và phụ kiện Dial đi kèm. Tất cả đều đang chờ đợi mang đến những trải nghiệm không thể nào tuyệt vời hơn.
Nhưng có vẻ như nó vẫn chưa làm vừa lòng một bộ phận nhỏ người dùng khó tính khi họ dần xét đến những khía cạnh nhỏ hơn ít người để ý. Cụ thể là những thắc mắc liên quan đến việc tại sao một sản phẩm đáng mong chờ ở phân khúc cao cấp bậc nhất như vậy lại chỉ được tích hợp công nghệ GPU có từ 1 năm trước - GTX 980M - mặc dù đã có hàng loạt những tên tuổi và thiết bị đồ họa với hiệu năng bứt phá hơn hẳn được trình làng trong 6 tháng gần đây nhất?
Câu hỏi bị bỏ ngỏ?
Tất nhiên, có một điều chúng ta cần phải biết, đó là không phải ai mua một chiếc Surface Studio cũng sẽ sở hữu sức mạnh của GTX 980M. Thực chất, đó là thông số trên mẫu cấu hình lắp đặt cao cấp nhất, với giá thành lên đến 4.200 USD. Hai phiên bản cấu hình tiêu chuẩn khác sẽ tích hợp GTX 965M. Đây là một thiết bị hỗ trợ đồ họa không phổ biến lắm trên các dòng máy tính, nhưng ít nhất qua một số thông tin, chúng ta có thể biết được rằng tốc độ xử lý thô của nó vào khoảng 1,9 teraflop. Trong khi đó, GTX 980M có tốc độ 3,2 teraflop, cùng hiệu suất tăng hơn ít nhất là 30%.
Vậy có gì đáng nói sau khi nhìn vào những con số trên? Nếu không tinh ý thì không phải ai cũng nhận ra, cho tới khi xét đến toàn bộ hệ thống phần cứng liên quan. Khi thử kiểm tra hiệu năng của GTX 1070 trên chiếc ASUS ROG G752, số liệu đo được quả thực không khiến người xem thất vọng khi đạt đến 129 fps ngay tại game Battlefield 4, độ phân giải fullHD 1080p và cấu hình lựa chọn thiết lập mức Ultra. So với GTX 980M trên chiếc Acer Predator 17 thì một trời một vực, chỉ đạt 88 fps - vẫn là một con số khá mượt mà nhưng vẫn chưa đủ để gây ấn tượng.
Với những con số biết nói như vậy, GTX 965M có thể đạt mức tiêu chuẩn 60 fps trên Battlefield 4, nhưng là ở độ phân giải 1920.1080. Còn với Surface Studio sở hữu tỷ lệ hiển thị 4500x3000 thì có lẽ chúng ta nên quên nó đi mà tìm đến những tựa game khác nhẹ nhàng hơn.
Một chiếc máy tính không phải để chơi game
Có vẻ như mọi người đang nghĩ hơi quá so với mục đích và hướng đi thực sự của Microsoft. GTX 980M là thiết bị thuộc phân khúc cao cấp nhất ở thế hệ xử lý đồ họa trước đây, chỉ bị đánh bại bởi chính phiên bản GTX 980 dành cho PC. Và quan trọng nhất, Surface Studio không phải là sản phẩm đơn thuần dành để chơi game - mà tập trung vào thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả làm việc một cách tối ưu nhất.
Tuy nhiên, nói đến độ phân giải khổng lồ của nó thì cũng không thể thờ ơ được. Để chạy phần mềm CAD hay các ứng dụng đồ họa khác ở độ phân giải 4K sẽ cần đến một sức mạnh phần cứng đáng nể. Dù chưa có trong tay những dữ liệu thử nghiệm cụ thể nhưng nếu nhìn lại màn thể hiện của Surface Book trong thời gian vừa qua chỉ với những chương trình thiết lập hiển thị 3D thông thường trên màn hình 3000x2000 của mình, tỷ lệ khung hình đã giảm một cách bất ngờ kể cả khi được tích hợp Nvidia GT 940M. Đó là chưa kể đến việc mật độ điểm ảnh của Surface Book còn thấp hơn 1 nửa so với Studio.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là ở mức giá trung bình 3.000 USD, Microsoft đang nhắm đến những đối tượng khách hàng muốn tận dụng tối đa ưu điểm, hiệu suất của chiếc máy tính đa năng này để làm việc và phát triển chuyên môn. Các chuyên viên đồ họa, kỹ sư công nghệ, chuyên gia thiết kế - mọi ngành nghề mà cần đến hiệu quả công việc tỉ lệ nghịch với thời gian phải bỏ ra, kết quả càng nhiều trong thời gian càng nhanh thì sẽ càng được trọng dụng.
Dù vậy, trên nhiều ý kiến thu thập được, có lẽ GTX 965M và 980M vẫn chưa thực sự đủ thỏa mãn và tối ưu cho những gì mà Microsoft đáng lẽ ra nên làm trước đó, như một chiếc GTX 1060 chẳng hạn.
Tham khảo: DigitalTrends
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét