ictnews
Sau khi tranh cãi giữa CMC và FPT xảy ra, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư kí Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng , với việc quản lý đô thị chưa tốt như hiện nay thì sẽ còn nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp hạ tầng và bộ mặt mỹ quan đô thị còn bị ảnh hưởng.

Cụ thể, ông Bình cho rằng, quan điểm của VIA là các doanh nghiệp kinh doanh thì trước tiên cần tuân thủ pháp luật cũng như các thoả thuận kinh tế giữa các bên. Khi có tranh chấp, trước tiên các bên nên ngồi lại với nhau để trao đổi, thoả thuận trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên.Trong trường hợp mà các bên không thể thoả thuận được với nhau, kể cả có sự tham gia hoà giải của các cơ quan liên quan, thì phải ứng xử theo quy định của pháp luật, như kiện ra toà chẳng hạn. “Các hợp đồng giữa các bên tham gia đều quy định rõ  nào các điều khoản chấm dứt hợp đồng hay kiện ra toà án dân sự”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, một lần nữa, sự việc này cho thấy quản lý đô thị của Việt Nam chưa được tốt, hay nói cách khác là các quy định về sử dụng chung hạ tầng viễn thông, quy hoạch hạ tầng viễn thông còn chưa sát thực tế. Với tình hình này, sẽ còn nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp hạ tầng, và bộ mặt mỹ quan đô thị còn bị ảnh hưởng, nếu các cơ quan chức năng không có phương án căn cơ.

Cũng theo ông Bình, việc tranh chấp giữa FPT Telecom và CMC Telecom về việc sử dụng số lượng cáp vào hệ thống hạ tầng phải tuân theo quy định của hợp đồng. Chuyện doanh nghiệp sở hữu hạ tầng cho thuê không gian cho bao nhiêu sợi cáp, hay thuê cả một (vài) ống cáp là chuyện bình thường. “Các hợp đồng đều phải rõ ràng và tất nhiên không được trái pháp luật, các quy định của cơ quan quản lý hạ tầng đô thị khi họ cho phép các doanh nghiệp triển khai hạ tầng theo kiểu “xã hội hoá””, ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các công trình hạ tầng viễn thông sử dụng chung, các chủ đầu tư được Sở TT& TT tỉnh thành cho phép triển khai, khi vận hành thu phí cũng có những quy định rõ ràng về mức thu. “Tuy nhiên, có thể do các chế tài và biện pháp xử lý khi có tranh chấp chưa được rõ ràng, nên lúc gặp vấn đề không thoả thuận được dẫn đến các bên thường lúng túng và đổ lỗi cho nhau.”, ông Bình khẳng định.

Các doanh nghiệp cần có tinh thần hợp tác và tuân thủ đúng quy định pháp luật thì cả cộng đồng Internet và từng đơn vị mới được hưởng lợi.

Khi được hỏi về quan điểm của VIA để tránh xảy ra việc cắt cáp (nếu có) để rồi cuối cùng khách hàng là những người chịu thiệt thòi nhất, ông Bình khẳng định, quan điểm của VIA là các bên cần làm theo đúng quy định của pháp luật và cần có tinh thần hợp tác. Bởi vì, doanh nghiệp hợp tác thì cả cộng đồng Internet và từng đơn vị mới được hưởng lợi. “Mặc dù việc cắt cáp chưa xảy ra nhưng việc này cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới hình ảnh của các bên liên quan”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, sự việc lần này cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước chú ý đến giải pháp quản lý hệ thống cống bể dùng chung, khi mà nhà nước đã mời các doanh nghiệp viễn thông vào thực hiện theo cơ chế “xã hội hoá”. Bản chất doanh nghiệp đã đầu tư thì họ cần bù đắp chi phí và có lãi. Còn nhà nước phải có cơ chế quản lý hạ tầng dùng chung để, ngoài bù đắp quyền lợi kinh tế cho chủ đầu tư, thì phải đạt được các mục tiêu về quản lý đô thị, quy hoạch hạ tầng viễn thông, mỹ quan đô thị, cũng như công bằng cho các bên liên quan.

Cuối cùng, ông Bình cho biết, để chủ trương “xã hội hoá” được triển khai tốt và bền vững, thì cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn trước các vấn đề và có các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các bên và của xã hội, phòng tránh các tranh chấp không đáng có hoặc các khả năng cạnh tranh không lành mạnh. "Để làm được điều đó, có lẽ cần có các nguyên tắc bất kiêm nhiệm và tránh xung đột lợi ích. Ở một số nước tiên tiến họ có mô hình “cộng đồng tự quản”, nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay, Sở TT&TT tỉnh thành phải ra tay thôi", ông Bình kết luận.

Thế Phương

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google