Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang đi tới những giai đoạn cuối cùng để quyết định ai sẽ là người tiếp theo nắm giữ cương vị đứng đầu nền kinh tế số 1 thế giới. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chủ yếu dùng hình thức bầu cử qua phiếu giấy, Mỹ đã ứng dụng nhiều công nghệ cho các cử tri tham gia cuộc bầu cử tại nước này.  

Phương thức bầu cử tại các bang của Mỹ trong năm 2016. Màu xám là các bang chỉ dùng hình thức bầu cử qua phiếu giấy truyền thống.

Theo BallotPedia, các loại thiết bị được dùng để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có sự khác biệt lớn tại các bang. Một số bang sử dụng các thiết bị điện tử để ghi lại số phiếu của người dân, trong khi một số bang khác vẫn dùng phiếu giấy hay thậm chí là bỏ phiếu qua thư.

Dù vậy, ngày càng nhiều bang đang quyết định sử dụng thêm công nghệ vào các cuộc bầu cử được tổ chức tại địa phương, song song với hình thức bỏ phiếu giấy truyền thống. Dưới đây là chi tiết về bốn công nghệ sẽ được áp dụng tại bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 được trang BallotPedia tổng hợp lại:

Hệ thống quét phiếu quang học

Máy quét phiếu quang học được sử dụng tại bang Ohio năm 2012.

Với hệ thống này, các cử tri sẽ đánh dấu vào hình bầu dục, hình hộp hoặc các hình dạng tương tự khác lên một lá phiếu giấy. Sau đó, các lá phiếu này sẽ được quét ngay tại địa điểm bỏ phiếu hoặc được đem tới một trung tâm được chỉ định để lấy kết quả.

Hệ thống ghi điện tử trực tiếp (DRE)

Một máy tính DRE sẽ được sử dụng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Hệ thống này sử dụng một máy tính cho phép cử tri Mỹ có thể ghi lựa chọn bỏ phiếu của mình trực tiếp vào bộ nhớ máy tính. Máy tính DRE trông khá giống máy ATM với màn hình cảm ứng, nút bấm và quay số. Tại một số địa điểm bỏ phiếu, máy tính DRE còn được trang bị cả máy in để in ra các phiếu xác nhận cho cử tri trước khi họ đồng ý bấm nút lưu kết quả vào bộ nhớ máy tính. Các phiếu xác nhận này có thể được dùng trong các trường hợp cần soát lại phiếu sau đó.

Hệ thống và thiết bị đánh dấu lá phiếu

Hệ thống này được làm ra để giúp đỡ các cử tri là người khuyết tật có thể đi bỏ phiếu. Hầu hết các thiết bị được sử dụng đều có màn hình cảm ứng và hỗ trợ âm thanh cùng các tính năng tiếp cận khác để hỗ trợ tối đa cho quá trình bỏ phiếu của người khuyết tật. Thay vì ghi vào bộ nhớ máy tính như hệ thống DRE nêu trên, kết quả bỏ phiếu sẽ được ghi trên giấy và sau đó sẽ được kiểm lại bằng tay.

Hệ thống phiếu đục lỗ

Máy dùng để đọc kết quả trên các phiếu đục lỗ trong cuộc bầu cử.

Những cử tri tham gia phương pháp bỏ phiếu này sẽ được phát cho một lá phiếu và một thiết bị đục lỗ giấy. Cử tri sẽ thể hiện sự lựa chọn của mình bằng cách đục lỗ vào phần được chỉ định của ứng viên. Sau đó, lá phiếu sẽ được đặt trong một hộp để lấy kết quả bằng tay hoặc quét bằng máy tính.

Ngoài ra, kể từ năm 2010, một số hình thức bỏ phiếu kiểu cũ như bỏ phiếu bằng máy đòn bẩy đã bị loại bỏ khỏi mọi cuộc bầu cử tại Mĩ vì có nhiều lo ngại về tính chính xác.

Vấn đề

Các chỉ trích gần đây về việc các máy bỏ phiếu được sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống Mĩ 2016 đã quá cũ và có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bỏ phiếu đang xuất hiện ngày càng nhiều. Theo một báo cáo vào tháng 10/2015 của Trung tâm Tư pháp Brennan, 43 bang của Mỹ sẽ phải sử dụng thiết bị bỏ phiếu có hơn 10 năm sử dụng trong năm nay.

Bản báo cáo cũng nói rằng rất khó để tìm được linh kiện thay thế cho những máy này và 31 bang thể hiện nguyện vọng muốn mua một máy mới nhưng 22 trong số này cho biết "không biết nơi nào chịu chi tiền cho việc mua máy bỏ phiếu mới". Theo các nhà quan sát, các máy bỏ phiếu lỗi thời hoặc khó sửa chữa có thể gây khó khăn cho các cuộc bầu cử địa phương.

Vào tháng 4/2014, Hội đồng bầu cử bang Virginia đã bỏ phiếu đã loại bỏ việc sử dụng máy bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tại 30 quận và thành phố của bang do lo ngại lí do an ninh. Edgardo Cortex, thành viên Ủy ban bầu cử quốc gia Mĩ thậm chí còn đánh giá việc sử dụng các máy như vậy là "tạo ra một nguy cơ không thể chấp nhận được cho sự toàn vẹn của cuộc bầu cử".

Nguyễn Long

 

Theo VnReview

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google