Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì buổi họp báo. Ảnh Việt Hải. |
Theo đánh giá của ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đưa ra tại họp báo công bố Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định diễn ra tại Bộ TT&TT chiều ngày 22/11, trong suốt thời gian qua, thuê bao điện thoại cố định tại Việt Nam có sự suy giảm, tuy nhiên việc suy giảm này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà là xu thế chung tại nhiều quốc gia.
Trước sự bùng nổ của điện thoại di động, sự suy giảm của điện thoại cố định là do lợi ích của điện thoại di động tác động khi có nhiều dịch vụ mới phát triển, người dân thấy tiện lợi hơn, sử dụng hiệu quả hơn…
“Trước xu thế phát triển này, chính sách của Việt Nam luôn tạo điều kiện để điện thoại cố định phát triển”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói, đồng thời cho hay hoạt động của Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam có nhiệm vụ duy trì, tăng trưởng thuê bao cố định để phát triển, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vẫn xác định mạng cố định là một trong những mục tiêu phát triển, tỷ lệ 40-50% hộ gia đình có kết nối mạng cố định.
Với xu thế phát triển hiện nay, thuê bao cố định không chỉ có dịch vụ “alo”, mà còn tích hợp nhiều dịch vụ khác. Kết nối điện thoại cố định thay vì cáp đồng như trước chuyển sang cáp quang, với sự phát triển của Internet cũng có thể gọi điện IP... Trong quy hoạch kho số viễn thông mới, khi sắp xếp, việc chuyển đổi mã vùng cũng dành ra đầu 6 dành cho các dịch vụ mới, trong đó có điện thoại Internet.
Về chính sách hỗ trợ, Quyết định 74 về Viễn thông công ích đã có chương trình hỗ trợ điện thoại cố định. Tiếp nối chính sách này, trong Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, nội dung hỗ trợ phát triển điện thoại cố định hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa được tiếp cận điện thoại cố định vẫn được duy trì.
“Bên cạnh đó là vấn đề hoàn thiện bộ pháp lý để triển khai, chỉ đạo các tỉnh thành đề xuất các dự án hỗ trợ điện thoại cố định, các doanh nghiệp xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp truy nhập điện thoại Internet cố định băng rộng cho các vùng sâu vùng xa, xóa bỏ khoảng cách số”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Theo thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, tại Việt Nam hiện có trên 5 triệu thuê bao điện thoại cố định do các doanh nghiệp VNPT, Viettel… cung cấp.
Nguyên Đức
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét