Không chỉ có dấu vân tay và các con số, mật khẩu trong tương lai có thể sẽ hoàn toàn khác.
Các thiết bị di động hiện nay đang cố gắng để bảo mật hơn bằng cách áp dụng những công nghệ tiên tiến như nhận diện khuôn mặt hay bảo mật dấu vân tay. Công nghệ sinh trắc học đang là một bước tiến lớn so với cách chúng ta đặt mật khẩu bằng những con số hay chữ cái.
Và trong tương lai, cách sử dụng mật khẩu cũ sẽ sớm bị thay thế, không chỉ bởi dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt mà còn bởi nhiều công nghệ sinh trắc học độc đáo khác. Con người là một sinh vật đặc biệt, chúng ta có những đặc điểm riêng mà không thể tìm thấy ở bất kỳ ai khác. Và đó chính là những mật khẩu mà chúng ta sẽ sử dụng trong tương lai.
Cách gõ phím
Dấu vân tay vẫn có thể dễ dàng bị giả mạo, một hacker người Đức có nickname Starbug đã từng vượt qua được bảo mật vân tay trên iPhone 6 nhờ vào một dấu vân tay giả. Điều đó khiến cho các nhà khoa học cần phải tìm ra những phương thức bảo mật hiệu quả hơn.
Và một trong số đó là cách chúng ta gõ phím, nghe có vẻ đơn giản và ai cũng có thể gõ phím giống nhau, dù trên máy tính hay smartphone. Tuy nhiên trên thực tế các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, mỗi người trong chúng ta đều có một cách gõ phím khác nhau, cho dù là cùng một đoạn ký tự.
Tốc độ, lực ấn và nhịp điệu gõ phím chính là là những yếu tố để xác nhận bạn có phải chủ tài khoản hay thiết bị này không. Các nhà khoa học đang nghiên cứu công nghệ bảo mật này và cho rằng nó còn khó giả mạo hơn cả một chữ ký cá nhân. Không chỉ phải gõ đúng mật khẩu, bạn sẽ còn phải gõ theo cách nhất định.
Tuy vậy, công nghệ này đôi khi cũng có thể gây rắc rối cho chính người chủ sở hữu, vì không phải mọi lúc mọi nơi chúng ta cũng có thể gõ phím theo cách mà mình vẫn hay làm. Ngay cả nét chữ ký của chúng ta đôi khi còn không giống nhau, do đó các nhà khoa học sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện công nghệ này.
Cách nói chuyện
Nó không quan trọng những gì bạn nói, mà là cách bạn nói sẽ là mật khẩu bảo mật. Giọng nói của con người cũng như dấu vân tay, mỗi người có các biến khác nhau về nhịp điệu, độ cao thấp và trạng thái cảm xúc.
Tuy nhiên nó cũng không chỉ đơn giản là bạn thu âm giọng nói của một ai đó và có thể sử dụng nó như chìa khóa để mở cánh cửa. Hệ thống nhận diện giọng nói mà các nhà khoa học tại Đại học Alabama muốn phát triển sẽ có khả năng nhận diện cả nguồn phát giọng nói và nó sẽ chỉ chấp nhận nguồn phát là một thực thể sống.
Nháy mắt
MasterCard vừa mới giới thiệu hệ thống IdentityCheck mới, cho phép người dùng sử dụng một bức ảnh selfie để xác minh giao dịch thay cho các loại mật khẩu cá nhân hay chữ ký thông thường. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, tuy nhiên những bức ảnh selfie vẫn có thể dễ dàng bị giả mạo giống như công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Và giải pháp mà các nhà khoa học đang phát triển, đó chính là công nghệ nhận diện một cái nháy mắt. Đó vẫn sẽ là công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng thay vì là một bức ảnh tĩnh có thể bị giả mạo, hệ thống sẽ nhận diện thêm một chi tiết nữa đó là cái nháy mắt để đảm bảo rằng hình ảnh này không bị giả mạo.
Dáng đi
Các cảm biến chuyển động và gia tốc trên smartphone hiện chỉ phục vụ cho mục đích theo dõi việc tập thể dục, chưa từng ai nghĩ đến việc sử dụng nó để bảo mật. Và có vẻ như đó là một sự lãng phí đối với các đặc điểm nhận dạng thú vị này. Vì theo như nghiên cứu của các nhà khoa học, các đặc điểm khi di chuyển của con người cũng có thể sử dụng để nhận biết một ai đó.
Vì vậy, bằng cách đo các thông số này, chiếc smartphone có thể nhận biết rằng nó có đang ở trong tay của người chủ sở hữu hay không. Tất nhiên công nghệ này vẫn còn phải hoàn thiện rất nhiều, vì không phải lúc nào chúng ta cũng di chuyển với cùng một vận tốc nhất định, chưa kể địa hình khác nhau cũng có thể ảnh hưởng. Và nó cũng sẽ khá bất tiện khi mỗi lần sử dụng lại phải đi một vòng để đăng nhập.
Tham khảo: BI
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét