ictnews
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, những mục tiêu phát triển băng rộng đến năm 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông - CNTT cũng như cơ hội cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

4G sẽ là cơ sở tạo nên hệ sinh thái băng rộng mạnh mẽ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Viễn thông Thế giới và hội thảo "Thiết lập hệ sinh thái năng động sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng băng rộng" ngày 17/5/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, ngày 17/5 hàng năm là ngày hội của ngành viễn thông - CNTT thế giới và cũng là ngày hội của các doanh nghiệp viễn thông - CNTT của Việt Nam. Thông điệp năm 2016 của Tổng thư ký ITU có chủ đề doanh nghiệp viễn thông CNTT vì sự tiến bộ của xã hội. Bộ TT&TT hoàn toàn chia sẻ và đồng hành với những mục tiêu và nỗ lực mà ITU đang triển khai trên phạm vi toàn cầu.

Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, hạ tầng băng rộng mà Thủ tướng giao cho ngành TT&TT xây dựng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển xã hội thông tin. Trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đưa ra mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Nghị quyết này đưa ra mục tiêu cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng giá cả hợp lý theo cơ chế thị trường. Thứ trưởng Phan Tâm tin rằng khi nghị quyết được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông - CNTT Việt Nam cũng như cơ hội cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội thảo 

Tại Hội thảo, đại diện Cục Viễn thông đã trình bày chiến lược phát triển băng rộng của Việt Nam đến năm 2020. Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Cơ chế Chính sách của Cục Viễn thông cho biết, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có 35 triệu thuê bao băng rộng, tốc độ phát triển băng rộng của Việt Nam không đặc biệt và ở mức tăng 15 - 25% thuê bao/năm. Thuê bao di động của Việt Nam cũng đang bão hòa và ổn định ở mức khoảng 120 triệu. Hiện Bộ TT&TT đã cấp phép cho 26 doanh nghiệp được thiết lập hạ tầng băng rộng.

Đại diện Cục Viễn thông cho hay, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 40% số hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Trong đó ít nhất 60% thuê bao được kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25Mb/s.

Bên cạnh đó, sẽ có 100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50Mb/s; đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G với tốc độ trung bình đường xuống lớn hơn 4Mb/s tại thành thị và 2Mb/s tại nông thôn...

Một trong các giải pháp thực hiện Chương trình là giải pháp về thị trường, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông, giảm các thủ tục trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng cung cấp đa dạng dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, có các cơ chế chính sách minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Tăng cường các cơ chế quản lý đặc thù đối với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, CNTT trên hạ tầng viễn thông băng rộng đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội như: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật...

Theo ông Trần Tuấn Anh, trong chiến lược phát triển băng rộng của Việt Nam đến năm 2020 cũng đưa ra cơ chế kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện đại đa số của người dùng Việt Nam. Tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng, thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Viettel Telecom dự báo rằng xu hướng sử dụng dịch vụ có băng thông cao đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải củng cố hạ tầng của mình. Chỉ trong 3 năm tới mạng cáp đồng sẽ thay thế bằng cáp quang. Hiện Viettel đã thay thế cáp đồng bằng cáp quang; 40% thuê bao của Viettel đã sử dụng 3G, nếu tính cả dữ liệu từ 2,5G thì có đến 70%. Ông Dũng cho rằng, 3G đang được phổ cập, nhưng 4G sẽ là cơ sở tạo nên hệ sinh thái băng rộng mạnh mẽ. Thế nhưng, hiện nay Việt Nam lại nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới chưa cấp phép 4G.

TK

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google