5 năm đầu khi từ Hà Lan về Việt Nam, giáo sư Hiếu không xin được đề tài nào nên từng có ý định bỏ nghiên cứu đi kinh doanh. 

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (44 tuổi, Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, Đại học Bách khoa) là một trong hai tác giả chính nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu cho công trình xuất sắc "Thiết kế chế tạo cấu nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn". Công trình đăng trên Sensors and Actuators B - một trong những tạp chí uy tín nhất thuộc chuyên ngành hẹp là Thiết bị đo đạc (Instrumentation) năm 2012.

Nghiên cứu của ông đã đưa ra phương pháp chế tạo nano thứ cấp đơn giản, dễ điều khiển, mở rộng được khả năng ứng dụng của các cấu trúc nano một chiều truyền thống, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang lĩnh vực khác, như: linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. 

giao-su-tre-nhat-viet-nam-va-5-nam-loay-hoay-kiem-tien

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (bên phải ngoài cùng) nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có 11 người con ở Vĩ Dạ (Huế), nhưng ông và các anh chị khác luôn được bố mẹ động viên và tạo điều kiện tốt nhất để học tập. "Các con mà không học thì cũng khổ như bố mẹ" là câu nói được cậu bé Hiếu khắc ghi trong lòng để nỗ lực vươn lên. 

Năm 1990, ông thi đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhưng vì không có tiền nên bỏ học. Một năm sau ông theo học khoa hóa, Đại học Tổng hợp Huế. Để có tiền trang trải học phí, ông dành phần lớn thời gian đi làm thêm bên ngoài, chủ yếu là gia sư. 

Học xong đại học, muốn học lên nhưng ông chần chừ bởi không có tiền. "Lúc đó, tôi chỉ ước là chọn ngành được cấp học bổng và chu cấp chỗ ăn để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, chứ không có ý niệm về ngành nghề hay đam mê theo đuổi", ông nói. 

May mắn khi đó ông biết đến Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu - nơi duy nhất đi đào tạo cao học không mất phí và cấp học bổng 200 nghìn đồng/tháng. Vì "suốt ngày học" nên tháng nào Hiếu cũng nhận được số tiền trên để lo cho cuộc sống. "Ở ký túc xá tôi đóng 150 nghìn đồng là được ở thoải mái và ăn đủ ngày ba bữa, tất nhiên còn có sự giúp đỡ từ phía các anh chị nữa, nên về cơ bản là đủ tiêu", ông nhớ lại.

Năm 1999, ông làm nghiên cứu sinh ở Đại học Twente, Hà Lan. Sau đó, dù nhận nhiều lời mời ở lại làm việc, nhưng ông vẫn về nước. Câu chuyện đi hay ở khiến ông phải đấu tranh tư tưởng. Nếu ở lại vợ con sẽ có cuộc sống an bình, không lo vật chất, bản thân vợ ông cũng không muốn về. Nhưng câu nói của người thầy hướng dẫn tốt nghiệp đã giúp ông đưa ra con đường cho bản thân. 

"Việt Nam còn kém phát triển, những người như em nên về để đóng góp cho quê hương", suy nghĩ về câu nói của người thầy, ông đã về thuyết phục vợ con cùng vệ nước. "Em cứ về Việt Nam đi, không đủ tiền thì ngày đi dạy, tối về anh đi xe ôm. Mình đi lên từ nông dân thì sợ gì", giáo sư Hiếu cười nói. Sau đó, ông trở về giảng dạy tại Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu. 

5 năm không xin được đề tài nghiên cứu

Về Việt Nam, cuộc sống gia đình phải trải qua nhiều vất vả với đồng lương ít ỏi. Ông vừa phải đi dạy vừa đi làm ở công ty thiết bị bên ngoài, ngay cả số tiền tích lũy khi ở nước ngoài cũng chỉ giúp gia đình "cầm cự" vài ba năm. 

Khi ấy, con đường khoa học của ông cũng không mấy suôn sẻ. 5 năm đầu về nước, ông không xin được đề tài nghiên cứu nào. Có lúc chán nản định chuyển sang làm kinh doanh như bạn bè đồng lứa, nhưng đam mê nghiên cứu khoa học lại thôi thúc ông quyết tâm hơn nữa. Ông tự mình xây dựng phòng thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu khoa học từ hai bàn tay trắng. 

giao-su-tre-nhat-viet-nam-va-5-nam-loay-hoay-kiem-tien-1

Giáo sư Hiếu tự xây dựng phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Ảnh: PH.

Năm 2009, Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời giúp ông "sống được nhờ khoa học" khi được chủ nhiệm đề tài với mức lương 17-18 triệu đồng/tháng. Số tiền này cùng với lương của nhà trường đã giúp ông đảm bảo cuộc sống và chuyên tâm cho khoa học.

"Chưa bao giờ tôi hối hận vì quyết định về nước. Tôi từng bỏ ra ngoài làm doanh nghiệp nhưng rồi lại quay về phòng thí nghiệm", ông nói và khuyên các bạn trẻ cần cố gắng hơn nữa thì mới thành công.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu hiện là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có 22 bài báo được trích dẫn quốc tế 22 lần.

Năm 2010, ông nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu xuất sắc năm 2010 của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu giáo sư, học vị cao quý và đang là giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

Phạm Hương

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google