ictnews
Tại cuộc họp với Bộ TT&TT ngày hôm qua 17/5, cả đại diện Viettel và VNPT đề nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép 4G. Viettel còn cho rằng, hiện Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trong khu vực chưa triển khai 4G.

Viettel thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu.

Viettel, VNPT muốn sớm cấp phép 4G

Phát biểu tại hội thảo "Thiết lập hệ sinh thái năng động sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng băng rộng" ngày 17/5/2016 do Bộ TT&TT tổ chức, đại diện của VNPT cũng đề nghị Bộ TT&TT cho phép triển khai 4G/LTE-Advanced trên băng tần 2G 1800MHz được quy hoạch ngay sau khi thử nghiệm xong, tiếp đó mở cho các doanh nghiệp triển khai 4G trên băng 2600MHz, với công nghệ LTE-Advanced nhiều ưu việt như hiện nay. Đại diện VNPT cho rằng việc này sẽ tối đa được hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số bởi hiệu quả băng tần 4G LTE-A cao hơn gấp 15 lần so với 3G và 44 lần so với 2G.

Đại diện VNPT cũng kiến nghị việc triển khai 4G trên băng tần 700MHz. Băng tần này sẽ được thu hồi sau khi số hóa truyền hình nên VNPT đề nghị Bộ TT&TT thu hồi sớm để triển khai 4G  bởi đây là băng tần “vàng” giảm được chi phí vốn (CAPEX) và chi phí vận hành (CAPEX) cho doanh nghiệp.

VNPT đã triển khai thử nghiệm thành công 4G trên công nghệ LTE-Advanced tại TP.HCM và Phú Quốc trên cơ sở quy hoạch 2G băng tần 1800 MHz.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Viettel Telecom dự báo rằng xu hướng sử dụng dịch vụ có băng thông cao đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải củng cố hạ tầng của mình.Hiện khoảng 40% thuê bao của Viettel đã sử dụng 3G, nếu tính cả dữ liệu từ 2,5G thì có đến 70%. 3G đang được phổ cập, nhưng 4G sẽ là cơ sở tạo nên hệ sinh thái băng rộng mạnh mẽ. Thế nhưng, ông Dũng băn khoăn hiện nay Việt Nam lại nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới chưa cấp phép 4G.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia và hiệp hội cho rằng không nên coi việc triển khai 4G chỉ dành cho thuê bao di động mà với xu hướng "Internet of things" hiện nay thì sớm triển khai 4G sẽ thúc đẩy ứng dụng CNTT - VT vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Nhà mạng lớn đã sẵn sàng cho 4G

Trả lời ICTnews trước đó, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, kết quả thử nghiệm 4G của VNPT đã cung cấp được tốc độ truyền dẫn ngang với dịch vụ cáp quang hiện nay mà các nhà cung cấp đem tới cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hùng khẳng định 4G không thể thay thế dịch vụ cáp quang vì khi nhu cầu khách hàng sử dụng tới vài trăm Mbps đến nhà thuê bao thì lúc đó cáp quang mới có thể đáp ứng được.  

“Hiện chúng tôi chưa có con số thống kê chi tiết song những khu vực thử nghiệm 4G nhu cầu sử dụng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn do tốc độ cao đã kích cầu người dùng, trong khi đó giá cước vẫn chỉ tính như dịch vụ data thông thường. Chúng tôi sẽ ưu tiên phủ 4G ở những nơi có nhu cầu 3G đang cao để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Khu vực nào có nhu cầu dịch vụ 4G thì VNPT sẽ triển khai mạng lưới 4G. Khả năng triển khai mạng lưới của VNPT rất nhanh do cách quản trị phù hợp”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Còn ông Lương Mạnh Hoàng, Chủ tịch Tổng Công ty VNPT-VinaPhone chia sẻ: “4G là công nghệ hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới về dịch vụ VT và CNTT. Bên cạnh những trải nghiệm khác biệt đối với người sử dụng, 4G còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho doanh nghiệp, chính quyền trong một giai đoạn "Internet kết nối mọi thứ - Internet of Things". Chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ 4G, tiến tới sẽ là nhà mạng tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả dịch vụ 4G tại Việt Nam”.

Hồi năm ngoái, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015 để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức triển khai 4G từ năm 2016. Thời điểm đó, theo ông Lê Đăng Dũng, Bộ TT&TT nên xem xét bỏ qua giai đoạn cấp phép thử nghiệm, thay vào đó tiến hành cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chính thức, sau đó cho doanh nghiệp đấu giá băng tần để triển khai cung cấp dịch vụ ngay từ đầu năm 2016.

Lý do khiến Viettel đưa ra kiến nghị trên là: cùng với việc song song với thử nghiệm 4G ở Việt Nam, Viettel cũng đang thử nghiệm 4G ở Lào, Camuchia. Việt Nam đã chậm triển khai 4G so với nhiều nước ASEAN, do đó kéo dài thời gian thử nghiệm sẽ khiến Việt Nam càng đi chậm hơn. Một lý do khác nữa là giải quyết được bài toán lãng phí đầu tư bởi nếu triển khai 4G chậm các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cho 2G và 3G. Nếu có giấy phép 4G doanh nghiệp sẽ không đầu tư thêm cho 3G nữa mà cung cấp 4G luôn, tránh lãng phí tài nguyên tần số cũng như vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Cũng theo ý kiến của Viettel, băng tần 700Mhz đang được phân bổ cho truyền hình thực tế gây lãng phí rất lớn, Bộ TT&TT nên nghiên cứu phân chia băng tần cho doanh nghiệp viễn thông để triển khai 4G sẽ làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.

Thái Khang

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google