ictnews
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có khách hàng gọi điện lên tổng đài hỏi về đầu số thông báo tin nhắn rác 456 thì thật bất ngờ có nhân viên chăm sóc khách hàng của một nhà mạng nói rằng không biết đầu số này là đầu số nào.

Khách hàng hiện đang bức xúc vì tình trạng tin nhắn rác hoành hành. Nguồn: Internet

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho hay sau khi nghe nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng trả lời vậy nên rất bức xúc và đã phản ánh lên Bộ TT&TT. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, nạn xả tin rác vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho người dân, do đó các nhà mạng phải tích cực hơn nữa trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. “Nhiều khách hàng khi nhận được tin nhắn lừa đảo đã chuyển các tin nhắn đó trả lại vào máy của tôi. Họ nói “trả lại cho Bộ trưởng”. Có ngày tôi nhận được cả chục tin nhắn lừa đảo, tin rác như vậy”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Trước vấn đề này, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các mạng di động MobiFone, VinaPhone, Viettel phải đảm bảo kết nối liên tục và tuyên truyền đến khách hàng biết đến đầu số 456 để phản ánh về tin nhắn rác.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, thực hiện công tác quản lý, theo dõi, tiếp nhận hoạt động phản ánh tin nhắn rác qua đầu số 456 (đầu số để dùng tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác của khách hàng) do người dùng chuyển về đã giúp Bộ TT&TT phân loại, đánh giá, thống kê các loại tin nhắn tác, tin nhắn lừa đảo.

“Bản thân nhà mạng cũng phải nhắn tin truyền thông cho khách hàng thông báo về đầu số 456 phản ánh về tin nhắn rác để khách hàng biết và thông báo mỗi khi nhận được tin nhắn rác. Không thể để tình trạng khách hàng hỏi về đầu số thông báo tin nhắn rác 456 mà nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng không biết được. Đồng thời nhà mạng phải tập huấn cho nhân viên chăm sóc khách hàng của mình thậm chí là tất cả các nhân viên của mình biết và trả lời khách hàng khi có khách hàng hỏi về vấn đề này” ông Nguyễn Khắc Lịch nói.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT&TT sáng 31/12/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, đối với việc quảng cáo qua dịch vụ nhắn tin có hai mặt của vấn đề. Một mặt là yêu cầu đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, một mặt là quyền lợi của người tiêu dùng. Trong những năm qua, do nhu cầu phát triển thị trường, thuê bao di động trả trước đã phát triển nhanh. Một người sở hữu tới 4-5 thuê bao di động, nhờ đó mà số lượng thuê bao điện thoại của Việt Nam tăng tốc rất nhanh.

Nhưng đã đến lúc cần phải đặt nặng hơn quyền lợi riêng tư của người dân, phải dần dần chuyển theo hướng bảo vệ quyền của khách hàng sử dụng dịch vụ. Vấn nạn xử lý sim rác, sim trả trước không thể đòi hỏi đến giờ G nào đó là phải xử lý xong, mà cần thực hiện có lộ trình. “Nhưng đến lúc siết chặt quản lý sim trả trước hơn được rồi”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng cho hay, tình trạng tin nhắn rác vẫn là điểm nóng, một trong những khó khăn nhất ở địa phương. Hồi năm ngoái, Sở TT&TT Hà Nội đề xuất đưa việc thực hiện chặn tin nhắn rác là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động và công bố rộng rãi trước dư luận để tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Hiện Bộ TT&TT đang lấy ý kiến của người dân về nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Theo Dự thảo Thông tư, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo đến người dùng khi người dùng đã thể hiện sự đồng ý nhận quảng cáo một cách rõ ràng, cụ thể qua một trong các cách sau: gửi tin nhắn đăng ký; khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, cổng/trang thông tin điện tử; gửi thư điện tử đăng ký; gọi điện đến tổng đài thoại để đăng ký; sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.

Thái Khang

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google