Tim Cook là Giám đốc điều hành đầu tiên của Apple thực hiện chuyến thăm đến Ấn Độ.

Chưa đầy 7 tiếng kể từ lúc đáp chuyến bay muộn xuống phi trường Ấn Độ tuần trước, vị Giám đốc điều hành của Apple đã có mặt tại một ngôi đền Hindu nổi tiếng ở Mumbai.

Trong đền Siddhivinayak, Cook đi cùng với Anant Ambani, con trai của Mukesh Ambani, Chủ tịch hãng Reliance Industries, nhà cung cấp dịch vụ 4G hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo Internet di động tại Ấn Độ cuối năm nay. Internet tốc độ cao sẽ giúp "giải phóng sức mạnh của iPhone", ông Cook cho biết sau khi công bố tình hình kinh doanh của Apple trong quý đầu tiên của năm 2016.

Có thể nói Ấn Độ là điểm sáng duy nhất sau khi Apple công bố kết quả tài chính với doanh thu lần đầu giảm sút sau 13 năm tăng trưởng liên tiếp. Trong khi lượng iPhone bán ra trên toàn cầu giảm đến 16% so với cùng kỳ năm 2015, doanh số iPhone đã tăng 56% ở Ấn Độ.

Tim Cook là Giám đốc điều hành đầu tiên của Apple thực hiện chuyến thăm đến Ấn Độ. Trước đó, chưa có CEO nào của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này đến Ấn Độ khi còn tại vị, mặc dù Steve Jobs đã tới đây vào giai đoạn giữa những năm 1970 để "khai sáng tâm hồn". Lúc bấy giờ, "Apple" có lẽ vẫn chỉ là từ để chỉ một quả táo, thay vì được biết đến như thương hiệu có giá trị nhất hành tinh hiện nay.

vi-sao-ceo-apple-toi-tham-an-do

CEO Apple lần đầu đến Ấn Độ. Ảnh: AP.

Trung Quốc và Ấn Độ

Nếu tầm quan trọng của một quốc gia đối với một công ty toàn cầu được đo bằng những chuyến viếng thăm của CEO, điểm số mà ông Cook dành cho Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là 8 - 1.

Ấn Độ chỉ chiếm 1% doanh số bán iPhone toàn cầu, và thị phần di động của Apple tại đây chỉ ở mức 1,5%. Chiếm phần lớn thị trường Ấn Độ là những điện thoại có giá dưới 5.000 rupee (khoảng 75 USD), trong khi iPhone được bán với giá từ 39.000 rupee (khoảng 580 USD).

Xét riêng trong mảng smartphone, thị phần của Apple đạt 3,4% theo công ty nghiên cứu thị trường CyberMedia Research (CMR). Trên bảng xếp hạng, "Táo khuyết" đứng thứ bảy trong số các thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất ở Ấn Độ, dù trên thị trường quốc tế, Apple xếp thứ 2 sau Samsung.

Mặt khác, Trung Quốc lại là thị trường lớn thứ hai trên thế giới đối với Apple, sau Mỹ. Apple tuần trước công bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho ứng dụng tương tự Uber tại Trung Quốc, nhằm "hiểu rõ hơn về thị trường", theo lời Giám đốc điều hành Tim Cook. Ông cũng đã đến thẳng Mumbai từ Bắc Kinh.

Dù vậy, nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước hơn 1,3 tỷ dân và sự suy giảm doanh số bán điện thoại, cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng tổn thất doanh thu của Apple. Thị trường gần như chưa được khai thác mang tên Ấn Độ có thể sẽ giúp hãng lấy lại vận may của mình.

iPhone được sản xuất ở Ấn Độ

Trung tâm phát triển đầu tiên của Apple tại Ấn Độ sẽ được xây dựng ở Hyderabad, thủ phủ bang Andhra Pradesh ở miền Nam đất nước, nơi hơn 150 nhà phát triển của Apple sẽ làm việc để hoàn thiện cũng như phát triển bản đồ Apple Maps dành cho người dùng quốc gia này. Trung tâm đầu não sau đó sẽ được dời đến một khuôn viên riêng biệt dành cho Apple ở trong hoặc gần thành phố, và là nơi làm việc của hơn 2.500 nhân viên.

Ngày 18/5, Apple cho biết họ sẽ dựng một trung tâm phát triển phần mềm khác tại Bangalore, thành phố công nghệ của Ấn Độ, và là kinh đô của những công ty khởi nghiệp. Kế hoạch này sẽ được triển khai vào năm 2017, mang đến sự hỗ trợ tối ưu nhất cho các nhà phát triển ứng dụng iOS ở Ấn Độ. Thủ tướng Modi với chiến dịch "Make in India" cho thấy gần như mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng ý Apple.

Và sau khi đã thiết lập mọi thứ, liệu Apple sẽ bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ? Apple không tự sản xuất iPhone cũng như các thiết bị khác mang logo của hãng. Thay vào đó, điện thoại được lắp ráp bởi công ty Đài Loan Foxconn, có nhà máy đặt ở Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, Foxconn công bố kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào một nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất cho nhiều thương hiệu khác nhau ở bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ). Trong một báo cáo đưa ra năm nay, hãng này tiếp tục cho biết có thể sẽ thiết lập một nhà máy 10 tỷ USD cũng ở Maharashtra, chỉ để sản xuất thiết bị cho Apple.

Trong khi các kế hoạch này vẫn chưa được xác nhận, Foxconn hiện đã "chiếm" được những khu đất ở trong hoặc gần Mumbai để xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động cho Xiaomi đến từ Trung Quốc và cho cả công ty Reliance Jio (Ấn Độ). Việc sản xuất sản phẩm ngay tại lãnh thổ mà hãng đang kinh doanh, với các ưu đãi của chính phủ và thuế suất thấp hơn, nhiều khả năng sẽ cho phép Apple giảm giá iPhone, từ đó tăng sức cạnh tranh của thiết bị so với đối thủ, ít nhất là trên phương diện giá cả.

Vấn đề giá bán của Apple

Trong một thị trường mà giá cả được xem là yếu tố nhạy cảm, iPhone lại đắt tiền hơn và rơi vào phân khúc điện thoại thông minh cao cấp. Hầu hết các điện thoại trong phân khúc này đều có giá hơn 30.000 rupee (450 USD), và chúng chỉ chiếm 3,4% trong tổng số điện thoại di động được bán ra tại Ấn Độ năm 2015. Tỷ lệ này tương đương với 3,3 triệu đơn vị, theo số liệu của công ty CMR. Tuy nhiên nếu xét ở phân khúc cao cấp, Apple đã có 44% thị phần, gần đuổi kịp nhà sản xuất Hàn Quốc Samsung.

Thậm chí năm 2016, khi Ấn Độ được dự đoán là sẽ tiêu thụ 5 triệu điện thoại thông minh cao cấp, 96% thị trường điện thoại thông minh vẫn do smartphone giá dưới 450 USD chiếm giữ. Apple trong khi đó không có model nào có giá bán dưới con số 450 USD này thời gian gần đây.

Thế hệ iPhone cũ dù có giá rẻ hơn, song sức mua không mạnh. iPhone 5s đã gần 3 năm tuổi, và khách hàng Ấn Độ, dù có nhận thức về giá cả, dường như không mấy quan tâm đến việc mua một smartphone lỗi thời. Do đó, rõ ràng Apple đang gặp vấn đề. Trong khi model mới quá tốn kém để sở hữu, thì iPhone thế hệ cũ với giá rẻ hơn lại thiếu sức hút đối với người mua ở Ấn Độ.

iPhone trả bảo hành (Refurbished)

iPhone trả bảo hành có thể hiểu là những chiếc iPhone mà khách hàng trả lại Apple do trục trặc, hư hỏng trong quá trình sử dụng. Khách khi bảo hành sẽ nhận được thiết bị mới, trong khi những máy gặp vấn đề được chuyển đến nhà máy của Apple để kiểm tra và chứng nhận. Chúng sau đó được sửa chữa và tân trang như mới, tái bán ra thị trường, đồng thời vẫn được hưởng chế độ bảo hành của Apple.

Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho Apple, vì khách hàng ở Ấn Độ sẽ mạnh dạn hơn trong việc mua một sản phẩm mang thương hiệu đẳng cấp với giá hời. Bán iPhone tân trang sẽ tăng thị phần Apple trong phân khúc điện thoại từ 15.000 đến 30.000 rupee - chiếm 5,6% thị trường điện thoại thông minh trong quý đầu tiên năm 2016, theo nhà phân tích Faisal Kawoosa thuộc CMR.

"Với giá trị thương hiệu của Apple, hãng có thể dễ dàng chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc này, giúp doanh số bán hàng gần như tăng gấp đôi", ông Kawoosa nói. "Điều này có thể giúp Apple bán được 4 triệu đơn vị iPhone năm 2016 tại Ấn Độ". Tuy nhiên, khi hướng giải quyết về giá bán trở nên rõ ràng hơn, Apple lại gặp một vấn đề. Chính phủ có thể sẽ không cho phép Apple bán điện thoại refurbished tại Ấn Độ, với lý do lo ngại về hiện tượng bán phá giá của các model cũ và rác điện tử.

Một số nguồn tin cho biết quyết định của chính phủ xuất phát từ hàng loạt cuộc vận động hành lang, thực hiện bởi các nhà cung ứng điện thoại di động được xem như đối thủ của Apple. Đây cũng có thể là đề tài mà Tim Cook thảo luận với các quan chức Ấn Độ. Ngoài ra trong cuộc thảo luận này, Apple cũng có thể công bố kế hoạch của hãng trong việc mở các cửa hàng bán lẻ do công ty sở hữu. Đây mà điều mà Apple chưa thực hiện được do các quy định của chính quyền Ấn Độ, đòi hỏi phải có 30% lượng sản phẩm bán trong cửa hàng có nguồn gốc trong nước, nghĩa là sản xuất ngay tại Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ cho biết họ có thể phá vỡ quy tắc này đối với các công ty công nghệ tiên tiến, và Apple hy vọng điều đó sẽ trở thành hiện thực sau khi ông Cook hoàn thành chuyến công du của mình. Tim Cook bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ bằng cách cầu nguyện thần voi Ganesha với sự thành kính của mình. Có vẻ như Apple cũng sẽ cần rất nhiều sự giúp đỡ từ vị thần Ganesha, với mong muốn xóa bỏ mọi rào cản trong kinh doanh tại thị trường màu mỡ Ấn Độ.

Trí Nguyễn (theo BBC)

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google