Thiết bị thông minh dựa trên Internet of Things và camera thực tế ảo là hai mục tiêu được Nokia nhắm tới, kỳ vọng sẽ giúp hãng điện tử Phần Lan tìm lại những vinh quang đã mất.
nokia-dang-tro-lai-nhung-khong-phai-voi-smartphone

Nokia đã có hướng đi mới.

Ngày 25/4/2014, Microsoft thông báo đã hoàn tất thương vụ mua lại bộ phận Thiết bị di động và Dịch vụ của Nokia với giá 7,2 tỷ USD. Đây là thời điểm nhiều người tin rằng, "biểu tượng công nghệ" một thời đã sụp đổ. Họ sẽ không trở lại thị trường di động nữa, dành sức để tập trung vào mảng hạ tầng mạng và viễn thông.

Tháng 11 cùng năm, Nokia bất ngờ tung ra chiếc máy tính bảng Nokia N1 chạy Android. Mặc dù gây ấn tượng về cả thiết kế lẫn cấu hình, nhưng thiết bị nhanh chóng đi vào quên lãng vì chỉ được bán ra chủ yếu tại Trung Quốc và Đài Loan.

Trong điều khoản cam kết với Microsoft, Nokia không được sản xuất smartphone "sớm nhất cho đến hết quý IV/2016". Có nghĩa là, hết năm nay, có thể vẫn chưa có chiếc điện thoại Nokia mới nào xuất hiện.

Tuy nhiên, động thái mới của hãng điện thoại Phần Lan sẽ không tập trung toàn lực cho thị trường mà mình từng thống trị. Thay vào đó, họ nhắm đến các mục tiêu khác thiết thực hơn, có tương lai hơn.

Vụ thâu tóm mới nhất của Nokia là vào 26/4 vừa qua, khi hãng công bố mua lại Withings với giá 191 triệu USD. Đây là công ty chuyên sản xuất các thiết bị y tế hỗ trợ kết nối Internet, bao gồm cân thông minh, máy đo huyết áp, nhiệt kế… Trong số các mẫu sản phẩm Withings sản xuất, còn có một vài thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe và dòng smartwatch Activite.

nokia-dang-tro-lai-nhung-khong-phai-voi-smartphone-1

Đồng hồ của Withings được chú ý nhờ thiết kế đẹp, đơn giản, nhiều tính năng.

Như vậy, động thái này chứng tỏ Nokia đang rất quan tâm tới thiết bị đeo thông minh. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, họ sẽ biến ý tưởng của Withings thành hiện thực. Đặc biệt, với giá trị thương hiệu mang tầm toàn cầu, các sản phẩm đeo tay và theo dõi sức khỏe của Nokia hoàn toàn có thể cạnh tranh với những cái tên đến từ Apple, Samsung, LG…

Thiết bị đeo thông minh không phải là mục tiêu duy nhất Nokia hướng tới. Thực tế ảo sẽ là vấn đề được hãng tập trung không kém, nhưng không phải là các thiết bị hỗ trợ xem nội dung này, bởi thị trường này đã có quá nhiều thương hiệu như Oculus, Sony, HTC, Microsoft, Samsung... Thay vào đó, Nokia sẽ hướng trọng tâm đến máy ảnh thực tế ảo.

Tháng 12/2015, Nokia đã cho ra mắt chiếc camera Ozo hình cầu nhỏ gọn và độc đáo, cho phép quay phim, chụp ảnh 360 độ. Tuy nhiên, thiết bị hướng đến người dùng chuyên nghiệp (nhà sáng tạo nội dung, nhà làm phim) thay vì người dùng phổ thông. Mức giá cũng không hề rẻ, lên tới 60.000 USD.

nokia-dang-tro-lai-nhung-khong-phai-voi-smartphone-2

Chiếc camera 360 độ Ozo của Nokia.

"Nokia đang chấp nhận rủi ro để tiến vào thị trường thực tế ảo còn khá mới mẻ. Đó là một canh bạc! Nhưng chúng tôi nhận thấy sự thú vị từ đó, và biết đâu, camera thực tế ảo sẽ trở nên phổ biến trong vài năm nữa", Ramzi Haidamus, chủ tịch bộ phận Nokia Tech, cho biết.

Cũng theo Haidamus, các phim trường lớn, trong đó có Hollywood sẽ là mục tiêu bán Ozo đầu tiên. "Thực tế ảo đang phát triển nhanh chóng, nhưng Hollywood rất ít nội dung này. Với chúng tôi, đó là môi trường tiềm năng nhất để bán Ozo, bởi chỉ có nơi đây mới đồng ý bỏ ra số tiền 60.000 USD mà thôi", Haidamus nhấn mạnh.

Với những ai không có tiền để mua Ozo, Nokia sẽ cung cấp dịch vụ cho thuê. Còn với người dùng phổ thông, sẽ có một phiên bản giá rẻ của camera 360 độ này, nhưng họ phải đợi từ 3 – 5 năm nữa.

Rõ ràng, Nokia đang nhắm vào các lĩnh vực tiềm năng hơn. Theo nhà báo Dave Lee, phóng viên công nghệ khu vực Bắc Mỹ của BBC, điều này sẽ giúp hãng dễ dàng đầu tư phát triển hơn thay vì "đâm đầu" vào thị trường smartphone, máy tính bảng vốn đã bão hòa.

Bảo Lâm

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google