Những người có thể sống lại trong tương lai nhờ công nghệ bảo quản đông lạnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của cuộc đời mới.
thu-thach-cua-nhung-nguoi-hoi-sinh-tu-tu-dong-lanh

Andy Zawacki, COO kiêm trợ lý tổng giám đốc Viện Cryonics, đứng giữa hai hàng thùng cryonics bảo quản thi thể đông lạnh. Ảnh: Metro Times

Theo BBC Future, ba cơ sở tại Mỹ và Nga hiện bảo quản đông lạnh khoảng 300 cơ thể người, tồn tại trong trạng thái làm lạnh sâu được gọi là cryonics - bảo quản lạnh. 

Quá trình làm đông lạnh cơ thể chỉ được thực hiện sau khi tim hoàn toàn ngừng đập và ngay trước khi các tế bào bị huỷ hoại. Quy trình làm lạnh mà không tạo ra tinh thể băng đá được gọi là thủy tinh hóa, sẽ đình chỉ hoạt động của các mô não. Đứng trên khía cạnh luật pháp, những người này đều được tuyên bố là đã qua đời, nhưng ở một khía cạnh khác, hoàn toàn có khả năng lập luận rằng cơ thể của họ không hề biến thành xác chết, mà thay vào đó chỉ chuyển sang trạng thái vô thức. 

Không ai biết liệu đến bao giờ có thể làm sống lại những cơ thể người này, nhưng dường như ngày càng có nhiều người tin chắc rằng đây là một biện pháp tốt và một ngày nào đó sẽ phổ biến như điều trị bệnh cúm hay bó bột cánh tay bị gãy.

Nhưng giả sử rằng công nghệ bảo quản lạnh cơ thể người có thành công thì những công dân mới tỉnh lại từ quá khứ sẽ gặp rất nhiều thử thách.

Thử thách đầu tiên là họ phải đối mặt là xây dựng một cuộc sống mới ở nơi xa lạ sau nhiều năm ngủ đông. Mức độ phức tạp của thử thách này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như khoảng thời gian họ được bảo quản lạnh, xã hội đã phát triển đến mức nào, liệu có còn ai mà họ quen biết không và đặc biệt là hình dạng cơ thể mới của họ sẽ ra sao.

Trả lời được hết những câu hỏi này thực sự là một vấn đề nan giải, mặc dù vậy nhiều chuyên gia đã tiên liệu mọi vấn đề, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người hồi sinh hoà nhập nhanh nhất được với đời sống mới.

[Caption]

Thùng làm mát cơ thể kiểu cũ, dùng để hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân xuống mức nhiệt độ bảo quản. Giờ đây nó được thay thế bởi máy móc tân tiến hơn. Ảnh: Metro Times

Họ dự đoán trong vòng 30 đến 40 năm tới, chúng ta có thể phát triển các công nghệ y tế có khả năng tăng cường hệ thống sinh học, ngăn ngừa bệnh tật hay thậm chí nắm trong tay công nghệ đảo ngược sự lão hóa.

Sự trở lại của những người đóng băng vào thời điểm này sẽ tương đối thuận lợi vì có sự chào đón của lớp con cháu họ hàng mà họ từng quen biết trong giai đoạn đầu tiên của cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu các công nghệ trên cần đến 100 năm hoặc hơn nữa để thành công, những người hồi tỉnh từ quá khứ nên nghĩ đến việc đông lạnh cả những người ruột thịt, để cùng nhau bước chân vào thế giới đương đại.

Viện Cryonics ở Michigan khuyến mại cho các thành viên bằng cách chiết khấu giảm giá chi phí bảo quản lạnh cơ thể cho cả gia đình.

Nguồn hỗ trợ tài chính ban đầu cho những người hồi sinh cũng cần được tính toán nhằm đảm bảo thu nhập đủ sống cho đến khi họ tự sinh tồn được. Đó là quan điểm của Daniel Callahan, đồng sáng lập kiêm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Hastings, một tổ chức nghiên cứu dành riêng cho đạo đức sinh học và chính sách y tế của Mỹ.

Viện Cryonics cũng đầu tư một phần nhỏ trong tổng chi phí bảo quản lạnh cơ thể của bệnh nhân - hiện là 28.000 USD kèm bảo hiểm nhân thọ - thành cổ phiếu và trái phiếu. Họ hy vọng phần lợi nhuận thu được trong tương lai sẽ giúp người hồi sinh có đủ thời gian để tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Rất có thể vào thời đại những cơ thể đông lạnh được hồi sinh, khi xã hội đã đạt được những thành tựu vượt bậc về y học trong lĩnh vực chữa bệnh và ngăn chặn lão hóa, thì tiền bạc lúc ấy cũng không còn tồn tại và con người không còn phải làm việc để kiếm sống.

Kowalski và nhiều người khác tin rằng, xã hội tiên tiến ở tương lai có công nghệ để thức tỉnh con người, hẳn sẽ đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cuộc sống của quy mô dân số khổng lồ.

Thử thách tinh thần

Ngay cả khi hồi tỉnh lại trong xã hội tương lai tiến bộ thì người được hồi sinh cũng phải điều chỉnh tinh thần nhằm thích nghi và tái hòa nhập với thế giới mới. Họ có thể cảm thấy mình lạc hậu, mất phương hướng, thiếu tình thân, chịu chấn thương tâm lý dữ dội. Đối với những người chọn chỉ bảo quản nguyên bộ não mà thức tỉnh trong ngoại hình mới, họ sẽ mất thời gian để làm quen với cơ thể mới.

"Thử thách này thật sự là một khó khăn lớn ngay cả đối với một người vô cùng linh hoạt, khi buộc phải thích nghi với một cơ thể mới, một nền văn hóa mới và thậm chí cả một môi trường mới mẻ", ông Jeffry Kauffman, một nhà tâm lý học người Philadelphia nhận xét. "Những người này sẽ buộc phải tự đặt câu hỏi: 'Thực chất tôi là ai?'"

"Trong vòng 100 năm nữa, thế giới có thể thay đổi rất nhiều," Daniel Callahan, đồng sáng lập kiêm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Hastings, nói. "Nhưng trong 200 năm nữa thì chắc sẽ hoàn toàn khác. Con người ở thời điểm đó sẽ giống như người ngoài hành tinh đối với chúng ta".

Tuy nhiên, chủ tịch viện Cryonics Dennis Kowalski cho rằng, con người vốn có tính thích nghi cao, sẽ vượt qua được thách thức này.

"Con người chúng ta vốn được sinh ra trong một thế giới lạ lùng, sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, vì thế chúng ta có xu hướng thích ứng được với mọi tình huống, trong bất kỳ thời đại nào," Kowalski nói.

Mặc dù những kịch bản trên đây được xây dựng hoàn toàn dựa trên tưởng tượng, nhưng nếu điều kỳ diệu có thể xảy ra, như ý thức của con người có thể được tận dụng và tải lên thành một loại trạng thái ảo, giống diễn viên Johnny Depp trong phim "Trí tuệ siêu việt" thì tất cả những tiên đoán trong kịch bản sẽ trở nên hiện thực một cách đáng sợ.

thu-thach-cua-nhung-nguoi-hoi-sinh-tu-tu-dong-lanh-2

Joe Kowalsky, một thành viên của Viện Cryonics đứng trước ảnh của những bệnh nhân yêu cầu được đông lạnh cơ thể, trong đó có cả một con mèo. Ảnh: Metro Times 

Kauffman cho rằng các chức năng của bộ não có liên hệ mật thiết với những cơ quan cảm giác và nhiều loại cảm giác cơ thể khác nhau, cho dù bị cắt rời khỏi cơ thể, bộ não vẫn có khả năng tượng hình, và cảm nhận về tình trạng cơ thể giống như một hồn ma vô hình sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn xa lạ đối với bất kỳ ai.

"Điều đó thực sự là rất khó tưởng tượng", Callahan cũng đồng ý với Kauffman.

Sự bất tử cũng có thể gây ra những vấn đề nguy cấp khi xem xét ở khía cạnh tâm lý và triết học cơ bản.

"Chúng ta quan niệm rằng cái chết là sự triệt tiêu cội rễ của ý thức, quy phạm pháp luật và sự tồn tại của con người," Kauffman nói. "Sự biến mất của cái chết là có khả năng làm thay đổi hoàn toàn con người hay sinh vật về mặt bản chất".

Cho dù tương lai là điều hoàn toàn không thể đoán định trước, một số người vẫn sẵn sàng liều mình thử một phen. Ngay cả Kowalski cũng cho rằng "nếu được chọn lựa giữa việc bị hoàn toàn  lãng quên vào hư vô hay là có thể tải tâm trí của tôi vào một máy tính, tôi muốn thử cách thứ hai, biết đâu sẽ là một điều tuyệt vời".

Xem thêm: Tỷ phú Nga tham vọng biến con người thành bất tử

Tuệ Lâm

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google