Hai trong số các loài đặc hữu là ốc sên ma và thu hải đường được nghiên cứu tại vùng núi đá vôi Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang, đang lâm nguy do khai thác đá vôi làm xi măng.

chuyen-gia-quoc-te-canh-bao-nguy-co-voi-cac-loai-dac-huu-nui-da-voi-hon-chong

Một phần đồi núi đá vôi Hòn Chông bị khai thác. Ảnh: L Deharveng/FFI

Nhóm chuyên gia của Ủy ban vì sự sống còn của các loài thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN SSC) phối hợp với Tổ chức Động Thực vật Quốc tế (FFI) đã nghiên cứu và đánh giá thực trạng hệ động thực vật hoang dã vùng núi đá vôi tại miền nam Việt Nam. 

Họ tập trung vào khu vực Hòn Chông - nơi có ít nhất 36 loài động thực vật đặc hữu đang bị đe dọa, trong đó có 6 loài được xếp hạng "cực kỳ nguy cấp" trong Sách đỏ của IUCN, theo thông báo hôm 15/7 trên trang web FFI.

Các nhà khoa học đánh giá, hệ sinh thái tại núi đá vôi Hòn Chông có hệ thống cảnh quan đồi núi đá vôi ngoạn mục kết hợp với môi trường hang động kỳ lạ là điều kiện hội tụ tạo nên sự đa dạng sinh học, phong phú với các loài đặc hữu, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Trong số các loài được nghiên cứu  đáng chú ý có loài ốc sên ma Macrochlamys chưa được giới khoa học mô tả, chỉ xuất hiện ở hai hang tại Hòn Chông. Loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị thu hẹp. Ngoài ra, một loài thực vật đáng quan tâm là thu hải đường Begonia bataiensis cũng được IUCN xếp vào mức "dễ bị tổn thương".

chuyen-gia-quoc-te-canh-bao-nguy-co-voi-cac-loai-dac-huu-nui-da-voi-hon-chong-1

Loài ốc sên ma đặc hữu tại Hòn Chông. Ảnh: Jaap Vermeulen/FFI

Theo các chuyên gia của IUCN, môi trường sống của các loài đặc hữu trên bị đe dọa do các hoạt động khai thác đá vôi làm xi măng ở khu vực này. 

Bắt đầu từ năm 2007, nhà máy xi măng Holcim Việt Nam đã phối hợp với IUCN, trở thành một trong những đối tác toàn cầu về quản lý đa dạng sinh học tại những mỏ đá công ty này khai thác. 

Năm 2012, với sự hỗ trợ của IUCN, Holcim Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch hành động để tránh hoặc giảm thiểu tác động đến tự nhiên từ hoạt động khai thác đá vôi của công ty. Theo đó, một số chương trình trong kế hoạch đã được triển khai như khảo sát lập bản đồ phân bố các loài động thực vật hoang dã bị đe dọa, tạo môi trường cho loài sếu đầu đỏ quý hiếm và đề xuất thành lập khu bảo tồn các loài, với mục đích cuối cùng là cùng hành động để giảm nguy cơ các loài bị tuyệt chủng.

"Các dữ liệu nghiên cứu gây ngạc nghiên. Chúng tôi tin rằng không có nơi nào trên Trái Đất có mức phân bố các loài bị đe dọa tập trung với mật độ cao như tại Hòn Chông. Khả năng nguy cơ tuyệt củng là cao nếu như hoạt động khai thác đá vôi của các công ty xi măng vẫn tiếp tục diễn ra mà không được kiểm soát chặt chẽ", tiến sĩ Tony Whitten, giám đốc FFI tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nói.

"Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là tuyên truyền những hậu quả thực tế này tới các bên liên quan, thúc giục họ hành động, đảm bảo cho sự bền vững của đa dạng sinh học ở khu vực này", ông Whitten nói. 

"Chính quyền địa phương đang cân nhắc xây dựng một khu bảo tồn ở 9 trong tổng số 34 núi đá vôi, cho dù chỉ có một phần tư số loài đặc hữu ở Hòn Chông được bảo vệ".

34 ngọn núi đá vôi ở khu vực này có diện tích khoảng 258 ha, trong đó diện tích đã bị khai thác chiếm 42%. Ông Whitten kêu gọi các công ty xi măng khác trong khu vực cùng với Holcim bảo vệ sự đa dạng sinh học, tránh làm tuyệt chủng các loài đặc hữu và giảm nhẹ thiệt hại do hoạt động khai thác gây ra.

chuyen-gia-quoc-te-canh-bao-nguy-co-voi-cac-loai-dac-huu-nui-da-voi-hon-chong-2

Loài hoa thu hải đường tại Hòn Chông. Ảnh: Jaap Vermeulen/FFI

Huỳnh Phương 

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google