Các trải nghiệm thoát xác, đi qua đường hầm ánh sáng, gặp người thân đã mất và cảm giác hưng phấn là những gì nạn nhân kể lại khi họ vượt qua giây phút cận kề cái chết.

hien-tuong-hon-lia-khoi-xac-duoi-goc-nhin-khoa-hoc

Hồn lìa khỏi xác là một trong những cảm giác có thể xuất hiện khi con người rơi vào trạng thái cận tử. Ảnh: World News Daily Report.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet năm 2001, trong số 50% người báo cáo nhận thức về cái chết khi họ rơi vào trạng thái cận tử, 24% nói rằng họ có trải nghiệm ngoài cơ thể (thoát xác), 31% đi qua một đường hầm và 32% gặp những người thân đã mất.

Năm 2011, một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Trends về Khoa học Nhận thức cho biết, khoảng 3% người dân nước Mỹ trải qua kinh nghiệm cận tử. Các nhà khoa học xem xét các biểu hiện thường gặp nhất liên quan đến trạng thái gần kề cái chết, giúp họ đưa ra giả thuyết về những quá trình thần kinh có thể tham gia vào hiện tượng này.

Theo International Business Times, hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp khiến bệnh nhân có niềm tin hoang tưởng rằng mình đã chết. Về khía cạnh giải phẫu học, hội chứng này liên quan đến vỏ não thuỳ đỉnh (parietal cortex), vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và thường xảy ra sau chấn thương. Các nhà nghiên cứu tin rằng, những trải nghiệm cận tử có thể là một dạng của hội chứng Cotard.

Hiện tượng hồn lìa khỏi xác

Cảm giác trôi nổi bên ngoài cơ thể và nhận thức được tất cả mọi thứ xung quanh là đặc điểm chung của hầu hết trường hợp cận tử.

Các nhà khoa học so sánh hiện tượng này với một hình thức của bóng đè trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), khiến một số người có ý thức về thế giới bên ngoài nhưng không xử lý được tác nhân kích thích. Do đó, họ có những ảo giác thị giác hoặc ảo giác xúc giác gắn liền với chu kỳ thức - ngủ.

Vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (temporoparietal junction - TPJ) có chức năng tập hợp dữ liệu thu thập từ các giác quan, tạo ra nhận thức về cơ thể của mỗi người. Khi TPJ bị tổn thương, nó sẽ tạo ra trải nghiệm ngoài cơ thể như nhiều người kể lại trong trạng thái chết lâm sàng. Các nhà nghiên cứu có thể tái tạo hiện tượng này bằng cách kích thích điện vào vùng não TPJ.

Đường hầm ánh sáng

Khi con người tiến gần đến cái chết, lượng máu và oxy vận chuyển đến mắt giảm xuống làm rối loạn thị giác. Điều này sẽ khiến họ mất tầm nhìn ngoại vi, nhìn thấy đường hầm và ánh sáng chói lòa.

hien-tuong-hon-lia-khoi-xac-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-1

Sau khi chết lâm sàng, nhiều bệnh nhân nói nhìn thấy đường hầm và ánh sáng chói lòa. Ảnh: Csanna.

Tầm nhìn đường hầm (tunnel vision) là dấu hiệu xuất hiện của cả hai trạng thái: sợ hãi quá mức và thiếu oxy. Hai trạng thái này đều có thể xuất hiện khi một người nào đó đang chết.

Cảm giác hạnh phúc và phấn khích

Một trong những đặc điểm nổi bật của trải nghiệm cận tử, đó là nhiều người cảm thấy hưng phấn ngay cả khi biết mình đang chết. Cảm giác hạnh phúc này là một thông điệp phổ biến của nhiều học thuyết thần học cho rằng, cái chết đánh dấu sự khởi đầu mới để chuyển tiếp qua kiếp sống khác tốt đẹp hơn.

Những người trải qua kinh nghiệm cận tử có các triệu chứng giống như dùng ma túy, chẳng hạn như ketamin. Khu vực vỏ não trước trán và vùng não tưởng thưởng (reward circuits) bị gián đoạn, khiến người sắp chết cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn. Đây cũng là lý do tại sao họ có ảo giác nhìn thấy người chết, thường là những người họ biết và yêu quý.

Tất cả quá trình thần kinh ở trên chỉ là giả thuyết, do không thể nghiên cứu bộ não của con người khi họ đang tiến gần đến cái chết. Các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu dựa vào mô tả của những người trải qua kinh nghiệm cận tử, sau khi sự việc đã xảy ra.

Xem thêm: Những phát hiện bất ngờ về cái chết

Lê Hùng

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google