ictnews
Sự ra đời của World Wide Web đã thôi thúc Tiến sĩ Mai Liêm Trực lúc đó giữ vị trí Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện nỗ lực xúc tiến đưa Internet vào Việt Nam dù gặp rất nhiều khó khăn để rồi 6 năm sau Internet đã chính thức được kết nối ở đất nước hình chữ S.

Facebook kêu gọi người dùng kỷ niệm 25 năm Internet thế giới (Nguồn ảnh: Internet)

Hôm nay, ngày 23/8/2016, hơn 1 tỷ người dùng Facebook được thông báo và cùng nhau chúc mừng 25 năm thế giới lần đầu kết nối. Cho đến nay, số lượng người dùng Internet trên toàn thế giới đã chạm đến con số gần 4 tỷ người.

Với sự ra đời của Internet và đặc biệt là World Wide Web năm 1991 nhờ phát minh của nhà tư vấn phần mềm người Anh Tim Berners-Lee, thế giới đã đổi thay nhanh chóng, nảy sinh cả một nền văn minh mới, một kỷ nguyên tin học mà ở đó con người chỉ cần “click” chuột là có thể chạm đến bất cứ nơi đâu, không giới hạn về không gian, thời gian và không mất cước phí điện thoại đường dài như thời trước đó.

Nhà khoa học Tim Benners-Lee, cha đẻ của mạng toàn cầu World Wide Web (Nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org)

Không có Internet đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển

Sự ra đời của World Wide Web đã thôi thúc tiến sĩ Mai Liêm Trực lúc đó giữ vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đơn vị vừa đóng vai trò quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông duy nhất phải mang Internet về với Việt Nam.  Tháng 11/2016, người dùng Internet Việt Nam sẽ cùng nhau kỷ niệm dấu mốc 19 năm ngày Internet chính thức “mở cửa”. Tuy nhiên, để Internet ở Việt Nam có thể kết nối vào tháng 11/1997 thì không thể không nhắc đến những nhân vật đã đặt nền móng cho Internet ở nước ta như Tiến sỹ Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh.

Tiến sỹ Mai Liêm Trực được bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Internet tại Việt Nam.

Năm 1991, Tiến sỹ Mai Liêm có cơ hội được tham dự một hội nghị mang tầm quốc tế tại Mỹ và đã được giới thiệu về Internet. Mặc dù thôi thúc đem Internet về Việt Nam nhưng  trong bối cảnh tiến trình xây dựng XHCN lúc bấy giờ, rất nhiều khó khăn, trở ngại đặt ra với những nguy cơ về việc lộ bí mật quốc gia hay các luồng thông tin bất lợi có thể tấn công vào Việt Nam do tính chất “mở” của Internet là vô cùng lớn. Tuy nhiên, với tầm nhìn, Tiến sỹ Trực và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã rất quyết tâm ủng hộ Internet vào Việt Nam vì đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu không có Internet, thậm chí còn bị cô lập và trở nên tụt hậu.

Năm 1992, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã giao cho phòng Hệ thống mạng máy tính, Viện Công nghệ thông tin (sau này là công ty NetNam), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu đưa Internet về Việt Nam.  Ông Trần Bá Thái, nguyên Giám đốc NetNam kể rằng, Việt Nam bắt đầu mở cửa từ những năm 90, nhưng trước đó Viện Khoa học Việt Nam đã có sự hợp tác quốc tế tương đối tốt. Nhiều cán bộ của Viện đã được đào tạo ở Đông Âu và cả Tây Âu từ những năm trước đó. Đây là lợi thế dẫn đến “cơ duyên” cho NetNam trở thành người tiên phong nghiên cứu về Internet tại Việt Nam. Nhóm kỹ thuật NetNam chính là đội quản lý hệ thống tên miền quốc gia .vn cho đến khi chuyển giao lại  cho đơn vị quản lý nhà nước về tên miền (sau này là VNNIC) vào năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam. NetNam cũng chính là nơi đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm world wide web những năm 1994-1995, với ngôn ngữ lập trình html thô sơ và trình duyệt netscape.

Tháng 3/1997, Chính phủ ban hành quy chế tạm thời về quản lý, khai thác và sử dụng Internet. Theo đó, chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được cấp phép ISP. Lúc đó, NetNam chưa là doanh nghiệp mà chỉ là một Mạng dịch vụ của Viện Công nghệ thông tin. Tổng Cục Bưu điện đã cấp giấy phép tạm thời ISP cho Viện Công nghệ thông tin vào tháng 10/1997. Netnam trở thành doanh nghiệp nhà nước vào tháng 11/1998 và các nhà công nghệ bắt đầu hành trình kinh doanh dịch vụ Internet trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Khi các nhà công nghệ làm kinh doanh và chuyển mình

Nếu như NetNam được mệnh danh là người mở đường tiên phong cho thử nghiệm về mặt công nghệ để đưa Internet vào Việt Nam thì khi bước vào kinh doanh thì NetNam không có được thế thượng phong do không có lợi thế đối với đối thủ khác. Trong bối cảnh đó NetNam đã chọn hướng đi riêng cho mình với sứ mệnh trở thành nhà cung cấp dịch vụ ICT Managed Services đặc sắc ở Việt Nam và khu vực. Với đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn cao, NetNam đã chọn cho mình đối tượng khách hàng rất riêng biệt là khối khách hàng cần chất lượng dịch vụ chất lượng cao, như các khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp, công ty đa quốc gia,… Đối với các tập khách hàng cao cấp này, đường truyền Internet chỉ là phần nền tảng, NetNam mang đến cho khách hàng tất cả các giải pháp kỹ thuật như thiết kế, triển khai hệ thống mạng, tích hợp hệ thống quản trị, … hay cử người thường trực chăm sóc hỗ trợ, có giải pháp backup đường truyền, thiết bị để đảm bảo chất lượng cao nhất cho khách hàng.

Theo số liệu năm 2016 của Tổ chức thống kê số liệu Internet Thế giới (InternetLiveStats), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới về số lượng người dùng Internet với 49 triệu người (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thời điểm hiện tại, NetNam vẫn là Top 5 ISP ở Việt Nam với số lượng thị phần tuy không nhiều nhưng phần lớn là khối Chính phủ, Cơ quan nhà nước, Tổ chức phi chính phủ, Doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia và là đối tác quan trọng tại Việt Nam của nhiều hãng viễn thông lớn trên thế giới.

Theo số liệu năm 2016 của Tổ chức thống kê số liệu Internet Thế giới (InternetLiveStats), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới về số lượng người dùng Internet với 49 triệu người, chiếm 52% dân số cả nước và có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng. Với con số này, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực châu Á về lượng người dùng Internet, chỉ sau Trung Quốc (721 triệu), Ấn Độ (462 triệu), Nhật Bản (115 triệu) và Indonesia (53 triệu). 

Thùy Trang

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google