Dù nằm trong khu vực phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất toàn cầu là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, song tỷ trọng luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Việt Nam thông qua TMĐT chỉ khoảng 2,8%.

Luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Việt Nam thông qua TMĐT  ở mứ c thấp, chỉ khoảng 2,8%.

Tỷ trọng rất thấp

Sau 5 năm triển khai Quyết định 1073 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang giai đoạn phát triển mạnh, từng bước định hình hạ tầng vững chắc và đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.

Cụ thể, 100% doanh nghiệp lớn sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hơn 80% doanh nghiệp lớn đã có trang thông tin điện tử được cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các website TMĐT để mua bán hàng hóa và dịch vụ năm đạt khoảng 40%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện tỉ trọng luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Việt Nam thông qua TMĐT rất thấp, chỉ khoảng 2,8% trong khi ở các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang vào khoảng hơn 12%.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên địa bàn đạt 1,16 tỷ USD (chiếm 4% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố), 9 tháng của năm 2016 ước đạt 1,04 tỷ USD (chiếm khoảng 4,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố). Con số này được đánh giá là thấp so với tiềm năng của TMĐT trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Lan, hạn chế của hình thức kinh doanh này đó là các chủ thể tham gia TMĐT bằng việc tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của các thiết bị di động thông minh thì việc giám sát hoạt động TMĐT khó khăn hơn nhiều so với việc sử dụng máy tính.

“Nghĩa vụ về thuế của chủ thể hoạt động TMĐT chưa được nghiêm túc thực hiện. Tuy pháp luật về thuế điện tử ngày càng được hoàn thiện nhưng ý thức của người nộp thuế chưa cao”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

 

7 nhóm giải pháp hỗ trợ cho TMĐT

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển TMĐT rất nhanh. Theo tính toán của các chuyên gia, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm đến 51,5% tỷ trọng TMĐT toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong “vòng quay” đó với tỉ lệ tăng trưởng 30%/năm.

“Vì vậy, để đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 có số dân tham gia mua sắm trực tuyến 30%, giá trị mua hàng trực tuyến đạt 350 USD/người/năm (giai đoạn 2010-2015 là 160 triệu USD), tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5%, tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu website đạt 50% thì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động hơn và làm nhiều việc hơn nữa”, bà Lại Việt Anh nói.

Liên quan đến giải pháp mà các cơ quan chức năng sẽ thực hiện trong giai đoạn tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 trong đó đề cập đến 7 nhóm giải pháp: Phát triển hạ tầng, xây dựng hoàn thiện chính sách, phát triển ứng dụng sàn TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ và đào tạo kĩ năng cho doanh nghiệp để tham gia vào sàn TMĐT hiệu quả, khai thác được công cụ này để phục vụ cho việc kinh doanh của mình…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai trang web Tự hào hàng Việt (www.tuhaoviet.vn) với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp và được nhiều người biết đến. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ để phát triển thêm nhiều website tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua kênh TMĐT.

Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020

Về quy mô thị trường thương mại điện tử: 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT doanh nghiệp-người tiêu dùng (B2C) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, giao dịch TMĐT doanh nghiệp-doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS); 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Theo Phan Trang/baochinhphu.vn

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google