ictnews
Ngày 3/11/2016, Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ quan báo chí vì có thông tin sai sự thật trong vụ “Học sinh lớp 6 ở Gia Lai tự tử vì không có áo mới đến trường”. Cùng với việc bị phạt tiền, các cơ quan báo chí này phải cải chính và xin lỗi theo quy định.

Thời gian gần đây Bộ TT&TT đã xử lý vi phạm của nhiều cơ quan báo chí. (Hình có tính minh họa)

14 cơ quan báo chí bị xử phạt vì có thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Các cơ quan báo chí bị xử phạt gồm: Báo điện tử VOV, Báo điện tử Dân Việt, Báo điện tử Phụ nữ TP.HCM, Báo điện tử Đất Việt, Báo điện tử Giao thông, Báo điện tử Công an TP.HCM (mỗi cơ quan báo chí bị phạt 15 triệu đồng); Báo điện tử Dân trí, Báo điện tử Người lao động, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (mỗi cơ quan báo chí bị phạt 13 triệu đồng); Báo điện tử Tiền Phong, Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô, Báo điện tử Công Lý, Báo điện tử Xây Dựng, Tạp chí điện tử Saostar (mỗi cơ quan báo chí bị phạt 10 triệu đồng).

Cùng với việc bị xử phạt tiền, các cơ quan báo chí còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 8/2016, các cơ quan báo chí nói trên đã đăng tải hàng loạt bài viết có nội dung sai sự thật như : “Xót thương học sinh lớp 6 tự tử vì không có áo mới đến trường” (Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam ngày 30/8/2016) “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới: Cảnh bần hàn cùng cực trong căn nhà lợp tôn” (Tạp chí điện tử Saostar ngày 31/8/2016) “Cậu bé 11 tuổi tự tử: Bi kịch hiện hữu trong đời sống” (Báo điện tử Xây dựng ngày 30/8/2016), “Học sinh lớp 6 tự tử vì không có áo mới tới trường” (Báo điện tử Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/8/2016), “Học sinh lớp 6 tự vẫn thương tâm vì không có quần áo mới tới trường” (Báo điện tử Công lý ngày 24/8/2016), “Vụ bé trai 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới tới trường: Vì đâu nên nỗi?” (Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô ngày 31/8/2016), “Gia Lai: Học sinh lớp 6 tự vẫn thương tâm vì không có quần áo mới tới trường” (Báo điện tử Tiền phong ngày 24/8/2016), “Gia Lai: Gia cảnh buồn của cậu học sinh tự tử vì chưa có quần áo mới” (Báo điện tử Dân trí ngày 31/8/2016), “Chưa có quần áo mới, một học sinh treo cổ tự tử” (Báo điện tử Người lao động ngày 23/8/2016), “Bé tự tử vì không có quần áo mới đi học: Gia đình không thuộc diện được hỗ trợ” (Báo điện tử Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/8/2016), “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới: Nỗi đau ai thấu?” (Báo điện tử VOV ngày 29/8/2016), “Phía sau việc học sinh tự tử vì … không có áo mới đi học” (Báo điện tử Giao thông ngày 30/8/2016), “Tự tử vì không có quần áo mới: Tâm sự xót lòng” (Báo điện tử Đất Việt ngày 1/9/2016), “Học sinh lớp 6 tự tử vì chưa có quần áo mới đến trường” (Báo điện tử Dân Việt ngày 23/8/2016).

Ngày 6/9/2016, Bộ TT&TT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ các nội dung liên quan vụ việc trên. Ngày 20/9/2016, Bộ TT&TT nhận được văn bản số 4333/UBND-KGVX của UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đính chính thông tin báo chí nêu về vụ việc. 

Thực tế, nguyên nhân cháu Ksor Sôn tự tử là do bất đồng ý kiến với gia đình và do tâm lý của lứa tuổi dậy thì, nguyên nhân vụ việc tự tử không phải do không có áo mới đến trường như một số báo đã nêu. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã mời các cơ quan báo chí đến làm việc, lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Đình Anh

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google