Một người quen của tôi, chị H.Đ., khi nghe thông tin người bạn mình mất tiền trên tài khoản, chị đã ra ngân hàng rút sạch tiền về cho chắc ăn.

Từ câu chuyện “ Bốc hơi gần 200 triệu đồng trong thẻ ATM ”, các chuyên gia hướng dẫn một số cách để giúp người sử dụng thẻ không bị mất tiền trong tài khoản.

* Chuyên gia thẻ 
Trần Quang Thoại:

Đừng tiếc phí đăng ký dịch vụ thông báo số dư

Nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền trong tài khoản như phản ánh của chúng tôingày 4-8 sẽ được công an vào cuộc làm rõ, tuy nhiên theo tôi, việc đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo số dư là giải pháp hữu hiệu để quản lý tài khoản vì bất kỳ giao dịch nào phát sinh đều gửi tin nhắn thông báo cho chủ thẻ .

Đó cũng là cách người sử dụng thẻ tự bảo vệ quyền lợi cho mình vì khi có phát sinh bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào có thể phát hiện và báo ngay để ngân hàng kiểm tra, ngăn chặn chứ không thể để bị rút sạch tài khoản như trường hợp vợ chồng ông N.S.T..

Hiện phí đăng ký tại nhiều ngân hàng phổ biến ở mức dưới 10.000 đồng/tháng, do vậy đừng nên tiếc phí mà không đăng ký, vì rủi ro gặp phải nếu thẻ bị lợi dụng mà chủ thẻ không phát hiện kịp sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, với người có khoản tiền nhàn rỗi lớn, tôi khuyên nên mở sổ tiết kiệm vì cách này có lợi hơn so với để tiền trong tài khoản dù hai cách này đều là để tiền trong ngân hàng.

Cụ thể, tiền trong tài khoản ATM chỉ được ngân hàng trả lãi không kỳ hạn phổ biến chỉ 0,2-0,3%/năm, trong khi đó nếu mở sổ tiết kiệm khách hàng được ngân hàng trả lãi có kỳ hạn, thấp nhất khoảng 4,5-5%/năm.

Việc gửi tiết kiệm cũng an tâm hơn vì trong trường hợp mất sổ tiết kiệm thì người nhặt được sổ cũng khó có thể rút tiền từ ngân hàng do không khớp nhận dạng, chữ ký và chứng từ liên quan.

* Giám đốc trung tâm thẻ 
một ngân hàng cổ phần:

Bảo quản thẻ cẩn thận

Việc chủ thẻ phản ảnh vẫn giữ thẻ, không giao thẻ cho ai nhưng vẫn bị mất tiền trong tài khoản thường rơi vào những trường hợp sau: khách hàng đã giao dịch tại ATM bị gắn thiết bị theo dõi, thẻ của khách hàng đã bị người khác sử dụng, hoặc đã từng cho mượn thẻ...

Để an toàn khi sử dụng thẻ, chủ thẻ cần cẩn thận, chẳng hạn khi bước vào máy ATM cần quan sát kỹ xem trên bàn phím hoặc khe đọc thẻ có gắn thiết bị lạ nào không, khi nhập mật mã cần lấy tay che lại vì khi đó trường hợp máy ATM có bị gắn các thiết bị theo dõi thì kẻ gian cũng không thể ghi lại được mật mã để sử dụng rút tiền được.

Ngoài ra, không nên tiết lộ mật mã nhờ người khác rút tiền, cũng không nên giao dịch ở những ATM có quá đông người chen lấn, xếp hàng vì rất dễ bị lộ thông tin thẻ cũng như mật mã.

Thẻ cũng như tiền vì vậy cần luôn giữ thẻ bên mình, không để lộ thông tin thẻ, đặc biệt với thẻ tín dụng vì có thể bị lợi dụng thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn và ba số phía sau thẻ) để mua hàng trên mạng.

Trường hợp muốn an toàn hơn, chủ thẻ tín dụng nên khóa chức năng thanh toán online, khi nào cần mới mở ra sau đó lại yêu cầu khóa lại. Như vậy lỡ chủ thẻ có bị lộ thông tin thì kẻ gian dùng cũng không thể thanh toán được.

Cũng cần đọc các cảnh báo của ngân hàng tại trụ ATM để cảnh giác khi giao dịch và thỉnh thoảng nên đổi mã PIN. Trường hợp nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin sau khi giao dịch nên đề nghị ngân hàng đổi thẻ ngay.

* Ông T.N., một khách hàng 
sử dụng thẻ:

Lấp lỗ hổng trên các chương trình giao dịch

Câu chuyện hai vợ chồng anh N.S.T. bị mất gần 200 triệu đồng trong tài khoản mở ở ngân hàng không phải là trường hợp duy nhất.

Trong hai tháng gần đây, một số khách hàng có mở tài khoản tiền gửi và đăng ký dịch vụ Internet Banking tại một ngân hàng đã lên tiếng và khiếu nại về việc tiền của mình trong tài khoản bị chuyển sang tài khoản người khác nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Một người quen của tôi, chị H.Đ., khi nghe thông tin người bạn mình mất tiền trên tài khoản, chị đã ra ngân hàng rút sạch tiền về cho chắc ăn.

Nhiều bạn bè trên Facebook của chị N.K.T. đã yêu cầu ngân hàng ngừng dịch vụ Internet Banking vì khả năng mất tiền quá dễ, chỉ cần đăng nhập vào một đường link lạ là có người tự do chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản khác mà ngân hàng không can thiệp được dù phát hiện ngay tức thì.

Sau vụ hacker tấn công ở hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vừa qua cho thấy dịch vụ các ngân hàng càng hiện đại càng dễ thành miếng mồi ngon cho tội phạm công nghệ cao - nhất là khi tội phạm đó rành rẽ công nghệ của các ngân hàng.

Cho nên các ngân hàng cần lấp được các lỗ hổng trên các chương trình giao dịch của mình và có biện pháp lấy lại tiền cho khách hàng của mình khi xảy ra sự cố tiền bị “bốc hơi” để tạo lòng tin cho người gửi tiền.

Song song đó, đối với các dịch vụ chuyển tiền qua Internet Banking, cần có một khoảng thời gian từ lúc tài khoản bị trích tiền và tài khoản được nhận tiền để đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, có thể là 30 phút.

Về phía người gửi tiền, cần đăng ký dịch vụ nhắn tin chủ động (SMS) để phát hiện ngay khi tiền bị mất và yêu cầu ngân hàng ngăn chặn.

Lưu lại số điện thoại đường dây nóng

Theo các ngân hàng, chủ thẻ cần lưu lại số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng (được in ở mặt sau thẻ, ở trụ ATM hoặc trang web...) để kịp thời gọi điện thông báo khi xảy ra sự cố về thẻ.

Trường hợp bị đánh cắp hoặc thất lạc thẻ, chủ thẻ gọi đến số điện thoại đường dây nóng cung cấp các thông tin như họ tên chủ thẻ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ... để ngân hàng tiến hành khóa thẻ hoặc có biện pháp xử lý. Sau đó đến điểm giao dịch gần nhất để làm thủ tục khai báo mất thẻ.

Khi mất thẻ, nếu chủ thẻ thông báo kịp thời và không để lộ số Pin thì vẫn có khả năng không bị mất tiền nếu ngân hàng khóa thẻ kịp thời.

Đề xuất từ bạn đọc

Hơn 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã đề xuất nhiều biện pháp để chủ thẻ tự bảo vệ tiền của mình.

* Xin chia sẻ với các bạn chút kinh nghiệm của tôi. Tôi tách riêng một tài khoản để sử dụng thẻ, lên kế hoạch chi tiêu và rót tiền vào khi cần và sử dụng dạng thẻ ghi nợ (debit card). Trong trường hợp gặp rủi ro, tiền mất không nhiều vì không duy trì nhiều tiền trên tài khoản này.

Ngọc Anh (ngocanh@...)

* Tôi đề xuất ý tưởng để bảo vệ chủ thẻ: khi không có nhu cầu dùng thẻ thì khách hàng khóa thẻ lại, lúc cần dùng thì mở khóa. Có thể gọi điện đến tổng đài ngân hàng, nhân viên trực tổng đài xác minh nhiều phút rồi mới tiến hành khóa/mở thẻ, cách khác là khóa thẻ bằng trang web ebank nhưng cách này thường bất tiện.

Cách nhanh nhất, hiệu quả nhất là phía các ngân hàng lúc cấp thẻ và mã Pin cho khách hàng thì nên cấp thêm một “mật mã khóa/mở thẻ”, tức là khách hàng chỉ cần soạn tin nhắn có số mật mã gửi đến tổng đài đã được lập trình sẵn của ngân hàng, sau khi ngân hàng kiểm tra thấy đúng thì lập tức sẽ khóa/mở thẻ theo yêu cầu của khách, và khi cần mở lại thẻ cũng làm tương tự.

Nguyễn Thanh Lâm (lamdhkt@...)

Theo Tuổi Trẻ

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google