ictnews
Theo Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (BLHS), BLHS 2015 quy định Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên mạng; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Cộng đồng doanh nghiệp ICT cho rằng quy định tại Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngành (Ảnh minh họa)

Vẫn còn ý kiến khác nhau về Điều 292 BLHS 2015

Như ICTnews đã thông tin, hiện Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 đã xây dựng xong dự thảo Luật này và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (moj.gov.vn) để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.

Trong dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, đối với Điều 292 BLHS 2015 quy định “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” - điều luật khiến cộng đồng doanh nghiệp ICT, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ băn khoăn, lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngành, Bộ Tư pháp cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Điều 292 BLHS 2015 là 1 trong 4 vấn đề hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau mà Bộ này xin ý kiến Chính phủ.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng BLHS cần có quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên mạng; bảo vệ những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm pháp luật và thu lời bất chính lớn từ việc vi phạm đó; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, quy định của Điều 292 BLHS 2015 có phạm vi tương đối rộng và các từ ngữ sử dụng trong điều luật chưa thật sự phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật chuyên ngành; do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp một cách hợp lý phạm vi xử lý hình sự về tội danh này, đồng thời điều chỉnh các quy định cụ thể trong điều luật cho phù hợp.

Loại ý kiến thứ hai nhận định cần bỏ hoàn toàn tội danh quy định tại Điều 292 BLHS 2015 vì cho rằng, BLHS đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng”. Như vậy là không phù hợp. Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ngành nghề trong số đó. Thêm vào đó, cũng những lĩnh vực kinh doanh nêu tại Điều 292 nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng.

Tăng cường sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh trên mạng

Tuy nhiên, tại dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Bộ Tư pháp cũng cho biết: “Dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất” (tức là BLHS vẫn cần phải có quy định “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 292) - PV).

Trong bản thuyết minh về dự thảo Luật, đối với Điều 292, Ban soạn thảo BLHS cho biết, hiện nay, kinh doanh trên mạng đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển lĩnh vực kinh doanh này. Theo đó, trên cơ sở các luật liên quan, Bộ TT&TT đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 72 ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó xác định rõ các hành vi bị cấm (Điều 5); chỉ doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung... (với trò chơi G1), Giấy chứng nhận đăng ký dịch vụ... và Thông báo cung cấp dịch vụ... (với trò chơi G2, G3, G4) (Điều 31) mới được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Và việc cấp các giấy phép trên phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định Điều 32, Điều 33 Nghị định 72.

Khác với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được thực hiện theo cơ chế hậu kiểm, với đặc thù của loại hình kinh doanh này, pháp luật hiện hành đã quy định cơ chế tiền kiểm rất chặt chẽ, ví dụ, để được cung cấp dịch vụ trò chơi G1, doanh nghiệp phải có đủ 4 điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp  ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ; có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin (Điều 32 Nghị định 72).

Theo đó, để tạo điều kiện cho những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm các quy định nêu trên, các Điều 67, 68 của Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT và Tần số vô tuyến điện đã quy định phạt tiền; tịch thu phương tiện; tước quyền sử dụng Giấy phép, Quyết định sử dụng; đình chỉ hoạt động... tương ứng với từng hành vi vi phạm của những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cũng theo  thuyết minh của Ban soạn thảo BLHS, Điều 292 BLHS 2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi cung cấp 1 trong 5 nhóm dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Kinh doanh vàng trên tài khoản; Sàn giao dịch thương mại điện tử; Kinh doanh đa cấp; Trung gian thanh toán; Trò chơi điện tử trên mạng) và các loại dịch vụ khác mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép. Theo Luật Đầu tư 2014 thì các loại dịch vụ nói trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép, bởi lẽ việc kinh doanh này nếu được thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì sẽ rất khó kiểm soát và dễ xảy ra vi phạm, số người bị hại có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn người.

“BLHS 2015 quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các hành vi vi phạm bằng chế tài hình sự nhằm bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa vi phạm, đảm bảo sự an toàn chung cho xã hội và tạo môi trường kinh doanh công bằng cho những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm pháp luật và thu lời bất chính lớn từ việc vi phạm đó; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này”, thuyết minh dự án Luật ghi.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo BLHS cũng cho rằng, quy định của Điều 292 BLHS 2015 có phạm vi tương đối rộng và các từ ngữ sử dụng trong điều luật chưa thật sự phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật chuyên ngành. Do vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật, đối với các vi phạm lần đầu, ít nghiêm trọng thì có thể xử lý bằng các chế tài hành chính, việc quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn các tình tiết định tội là cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi Điều 292 theo hướng thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự bằng cách nâng cao hơn mức định lượng thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; và bỏ dấu hiệu định lượng doanh thu tại các cấu thành định tội và định khung tăng nặng để đảm bảo tính thống nhất của BLHS không xem xét xử lý dựa trên dấu hiệu doanh thu của cá nhân, tổ chức; xét cho cùng thì dựa trên số doanh thu, cơ quan điều tra cũng phải tìm ra được người phạm tội  thu lợi bất chính.

Riêng với các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điểm e Khoản 1 Điều 292), Ban soạn thảo BLHS cho hay, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay vì các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật; bằng các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của Luật, nhằm giới hạn phạm vi, thẩm quyền quy định các loại hành vi này.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, cấu thành cơ bản của “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 292) được quy định: “Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Kinh doanh vàng miếng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng; e) Phương án 1: Liệt kê cụ thể các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Phương án 2L bỏ quy định tại điểm này” (Điểm e Khoản 1 Điều 292 BLHS 2015 quy định “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật” - PV)

M.T

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google