ictnews
Không chỉ nhacSO mà các trang nghe nhạc trực tuyến khác của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như Zing Mp3 đang “dậm chân tại chỗ” khi mà sản phẩm không có bất kì cải tiến nào hay Nhaccuatui cũng loay hoay làm đủ thứ từ game cho đến thương mại điện tử nhưng đều thất bại.

“Ảm đạm” thị trường nhạc trực tuyến

Ngày 24/8, FPT Telecom tuyên bố sẽ đóng cửa nhacSO.net trong thời gian tới. Lý do được vị đại diện này đưa ra là người dùng đang dịch chuyển sang hình thức khác, thay vì xây dựng theo kiểu một kho nhạc, người dùng vào đấy tìm kiếm và nghe những ca khúc mình quan tâm thì giờ đây xu hướng nghe nhạc của người dùng đã khác trước, nhacSO không còn phù hợp nên phía FPT Telecom sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các trang nhạc khác ở Việt Nam như Zing Mp3, Nhaccuatui... nhất là YouTube đều xây dựng theo kiểu kho nhạc, video và người dùng vào đó để tìm kiếm thông qua các các gợi ý của người quản trị, lịch sử nghe nhạc... Do đó, việc nhacSO đóng cửa không liên quan đến thay đổi hành vi người dùng mà là do kinh doanh không hiệu quả, trong khi vẫn phải gánh một số tiền không nhỏ từ chi phí bản quyền, nhân sự, hạ tầng.

Không chỉ nhacSO mà các trang nhạc khác của Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn khi doanh thu chủ yếu đến từ quảng cáo, nhạc chuông nhạc chờ… và không thu được bất kì một đồng tiền nào từ người dùng khi mà chiến dịch “Nghe có ý thức” thu phí tải nhạc khởi xướng từ năm 2012 đã thất bại. Đến thời điểm hiện tại, sau khi nhacSO.net đóng cửa thì hiện chỉ còn lại những trang nghe nhạc trực tuyến bao gồm: YouTube (Google), Zing Mp3 (VNG), Nhaccuatui (NCT), Nhạc vui (24h), Keeng (Viettel), Nhac.vn (Vega)... Trong đó, số 1 về người truy cập là YouTube, sau đó đến Zing Mp3 và Nhaccuatui, dù với YouTube, người dùng không chỉ nghe nhạc mà còn cả xem video. Còn về doanh thu, số 1 là keeng với lợi thế doanh thu nhạc chuông nhạc chờ, sau đó mới đến Zing Mp3 và Nhaccuatui.

Với Zing Mp3, người “thuyền trưởng” của trang web này từ những ngày thành lập là ông Phan Lê Mạnh đã chuyển ra ngoài để thành lập dự án startup kinh doanh nhà bằng công nghệ 3D. Dù doanh thu của Zing Mp3 từ quảng cáo, nhạc chuông chờ… vẫn đạt chỉ tiêu đề ra của VNG nhờ lượng lớn người sử dụng nhưng bất kì ai cũng dễ dàng thấy trong suốt vài năm qua Zing Mp3 không có bất kì tính năng hay sản phẩm khác nào đột phá ngoài việc thay đổi giao diện năm 2015. So sánh với Zalo hay Zing News, những sản phẩm chiến lược khác của VNG thì rõ ràng Zing Mp3 “đang đứng yên”.

Còn với Nhaccuatui, dù CEO Nhan Thế Luân đã phát triển rất nhiều dịch vụ khác như game, thương mại điện tử, trang web video ngắn, mạng xã hội… và dùng “bàn đạp” Nhaccuatui để đẩy dịch vụ mới nhưng đều không thành công. Mới nhất, NCT đã đưa ra ứng dụng thu phí Xmusic nhưng cũng không được nhiều người biết đến. Thậm chí, ông Luân đã từng sang gặp Viettel để chào bán trang web nghe nhạc của mình nhưng không thành công vì mức giá đưa ra quá cao. Viettel chỉ là 1 trong số nhiều đơn vị được NCT (đơn vị chủ quản Nhaccuatui) mời chào mua cổ phẩn hoặc bán lại.

Nhạc vui, Keeng đều có dẫu hiệu chững lại, 24h cũng như Viettel gần như đã “buông” các trang web này vì đầu tư nhiều, kì vọng lớn mà kết quả đem lại không như ý muốn ban đầu.

Doanh thu chủ yếu từ quảng cáo, bó tay thu phí người dùng 

Phần lớn doanh thu các trang web nghe nhạc trực tuyến của Việt Nam như Zing Mp3, Nhaccuatui, Nhạc vui… đều đến từ quảng cáo (chiếm phần lớn doanh thu), nhạc chuông nhạc chờ, bán tài khoản VIP (chiếm ít nhất). Dù mô hình này vẫn “sống tốt” trong một thời gian nữa nhưng nếu các trang web nghe nhạc trực tuyến không tìm cách thu tiền từ người dùng thì sẽ gặp rất khó khăn trong việc phát triển lâu dài giống như các trang web nước ngoài như Spotify, Apple Music.. đang thực hiện. Mặc dù vậy, kể từ sau khi việc thu phí tải nhạc thất bại, câu chuyện thu phí người dùng vẫn là câu chuyện “ở thời tương lai” dù trong năm qua Zing Mp3 đã đẩy mạnh việc thu phí tài khoản VIP. Sự kiện đình đám gần nhất của làng nhạc trực tuyến là khi ra mắt liên minh âm nhạc Sky Music (tháng 11/2013) với sự tham gia của Nhaccuatui, Nhạc vui , YAN, VMG, nhacSO, mặc dù đã nói rất nhiều về các kế hoạch lớn như bảng xếp hạng hay giải thưởng âm nhạc nhưng chuyện thu phí người dùng thì tuyệt nhiên không được bàn tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, do người dùng đã quá quen với việc miễn phí nên để thuyết phục họ trả tiền là một việc rất khó, nhất là khi các dịch vụ mà các trang nhạc cung cấp cũng không có gì mới mẻ, khác biệt để trả tiền. Còn về phía các trang web, đứng ra thu phí người dùng là một việc làm rất “liều lĩnh” vì có thể sẽ khiến người dùng quay lưng sang truy cập trang web “lậu”, trong khi hiện nay chưa có quy định đủ mạnh để siết các doanh nghiệp vi phạm bản quyền trong khi các trang web trực tuyến sống chủ yếu nhờ quảng cáo dựa trên lượng truy cập người dùng đông. Một cựu giám đốc sản phẩm nhacSO.net từng tâm sự, không ít người dùng gọi điện đến số hotline của trang web và ngỏ ý muốn trả tiền hàng tháng hoặc trả tiền cho bản nhạc mà họ vừa tải về nhưng đều nhận được câu trả lời là nhacSO.net chưa cung cấp dịch vụ thu phí người dùng.

Lý giải cho điều này, một chuyên gia trong lĩnh vực nhạc trực tuyến cho rằng, thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp nên những nhu cầu thiết yếu với cuộc sống vẫn được ưu tiên hàng đầu. “Do đó, việc bỏ tiền ra để nghe nhạc giải trí vẫn được coi là một điều gì đó xa xỉ, khác với các nước phát triển như Mỹ”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Rõ ràng, nếu như ở nước ngoài, chuyện người dùng bỏ tiền ra để trả phí hàng tháng cho các dịch vụ âm nhạc trực tuyến, từ đó các nghệ sĩ có thể tái đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình, là chuyện rất bình thường. Còn ở Việt Nam, chừng nào các trang nhạc vẫn còn thu phí chủ yếu nhờ quảng cáo và câu hỏi “bao giờ thu được phí từ người dùng” vẫn còn chưa được trả lời thì các trang nhạc trực tuyến còn gặp khó dài dài.

Trung bình mỗi năm các trang nhạc trực tuyến sẽ phải trả những chi phí bản quyền sau đây để duy trì dịch vụ: bản quyền tác giả với VCPMC (khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm), tiền nhạc quốc tế với đối tác Univesal, Sony (mỗi đối tác khoảng 750 triệu đồng/năm). Còn với nhạc Việt Nam, thông thường sẽ có 2 phương án lựa chọn, một là kí với VNG hoặc Sky Music (NCT) khoảng từ 500 triệu đồng- 750 triệu đồng/năm, hoặc tự kí kết với ca sĩ nổi tiếng, trung bình sẽ khoảng vài trăm triệu đồng một ca sĩ hoặc 1-2 album mới, sau đó sẽ bán lại cho công ty khác kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ hoặc tự kinh doanh. Như vậy, nếu không kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ và chưa có nhiều quan hệ để kí kết trực tiếp thì một trang nhạc trực tuyến sẽ phải mất ít nhất hơn 2,2 tỷ đồng tiền bản quyền mỗi năm. Đó là chưa kể đến các chi phí vận hành khác như chi phí nhân sự, hạ tầng…

Anh Ngọc

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google